BÀI VỊ CỬU HUYỀN THẤT TỔ
BÀI VỊ CỬU HUYỀN THẤT TỔ
Cửu huyển thất tổ có nghĩa là 9 đời trong thế hệ một gia đình hay nói cách khác chính là thờ phụng tổ tiên. Vì thế, thờ cúng “Cửu Huyền Thất Tổ” là tỏ lòng kính trọng với tổ tiên các bậc tiền nhân đã sinh dưỡng, dạy dỗ, dạy cách làm ăn, dạy hành động, cử chỉ sao cho tốt đẹp, hợp đạo lý, hay nói cách khác là thờ cúng cái nguồn gốc phàm trần của xác thân.
“Cửu Huyền Thất Tổ” là một dạng hợp nhất về ngôn ngữ. “Cửu Huyền” là từ bắt nguồn từ Đạo giáo xưa kia, có vào thời của Cát Hồng (283-363), hiệu là Bao Phác Tử - người đã lập ra Đạo “Kim Đan” bằng phương pháp kết hợp đạo Phật và Đạo giáo với nhau, mang mục đích vừa dưỡng sinh, vừa tu tiên và chỉ dùng cho giai cấp quý tộc cầm quyền giàu có. Còn “Thất Tổ” lại là ngôn từ của Nho gia. Ý nghĩa của nó là “thất đại tổ tiên” (bảy đời tổ tiên). Chữ “cửu” trong từ "cửu huyền”, không mang nghĩa là con số 9 của số học. Không thể hiểu nó theo kiểu “chín huyền thể ” được. Mà phải hiểu “Cửu” là sự “tối tột”. Ngoài việc có ý nghĩa là con số 9 của số học ra, nó còn là một khái niệm chỉ sự “tuyệt cực ” trong Dịch học, một kiểu loại ngôn ngữ đặc biệt, xuất hiện vào tận thời Phục Hy (4477-4363 tr.CN). Cụ thể hơn, trong Dịch học, số 9 (Cửu) là con số mang ý nghĩa thái dương (nghịch ngược với thái âm).
Theo đó, khi dùng “Cửu Huyền” như một đơn vị từ tố kép thì người ta hồi ấy không thể không dùng con số 7 (nên không phải là “lục tổ” và “ngũ tổ”) với 2 lý do nội tại cơ bản là: Một, để cho phù hợp về tư duy đăng đối trong thiết kế câu từ vốn có ở người Trung Quốc xưa. Hai, quan trọng hơn, 7 vẫn là con số của Dịch học, chỉ tình trạng “dương tính tuyệt cực” đứng sau con số 9 (Cửu). Như vậy, “Cửu Huyền Thất Tổ” có nghĩa là vô lượng Tổ Tiên Ông Bà đã chết trong quá khứ của mình.
Theo lịch sử Trung Quốc, thời điểm xuất hiện thuật ngữ “Cửu Huyền Thất Tổ” là Tiền Thục (907-925). Lúc ấy, có một Đạo sĩ khá nổi tiếng là Đỗ Quang Đình. Ông đã viết một quyển kinh đạo, có tựa đề là “Trung Nguyên chúng tu kim lục trai từ”, trong đó có một câu: “Thần đẳng Cửu Huyền Thất Tổ thụ phúc chư thiên di tộ lưu tường truyền hưu vô cực” (nôm na là: Cửu Huyền Thất Tổ của chúng thần, thụ phúc từ Chư Thiên, lưu giữ và truyền tiếp không ngưng nghỉ sự thụ phúc ấy đến vô cực cháu con”). Từ “Cửu Huyền Thất Tổ” ra đời và được các đạo sĩ rất hay dùng trong việc “chuyện trò” tại các buổi tụng cầu cúng đấng “Chư Thiên”. Dù mang hương vị của Đạo giáo, nhưng nó lại phản ánh nội dung của đối tượng rất trần thế đó là các đời tổ tiên của một chủ thể nhất định.
Đó là:
Cửu Huyền: 9 đời hay 9 thế hệ gồm có:
1. Cao Tổ: Ông sơ
2. Tằng tổ: Ông cố
3. Tổ phụ: Ông nội
4. Phụ: Cha
5. Bản thân
6. Tử: Con trai
7. Tôn: Cháu nội
8. Tằng tôn: Chắt (cháu cố)
9. Huyền tôn: Chít (cháu sơ)
Thất tổ gồm:
7. Thỉ Tổ (Tỷ Khảo) : Thất Tổ
6. Viễn Tổ (Tỷ Khảo) : Lục Tổ
5. Tiên Tổ (Tỷ Khảo) : Ngũ Tổ
4. Cao Tổ (Tỷ Khảo) : Tứ Tổ
3. Tằng Tổ (Tỷ Khảo) : Tam Tổ
2. Nội Tổ (Tỷ Khảo) : Nhị Tổ
1. Phụ thân (Tỷ Khảo) : Nhất Tổ
Truyền thống ở Việt Nam chúng ta thường thờ cúng Cửu huyền, còn Thất tổ thì dành cho vua chúa mới được thờ phụng. Nho giáo cho rằng “Cửu huyền Thất Tổ” là một hệ thống, trong đó Cha không liệt vào Thất Tổ và qui định cách thờ Tổ Tiên có thứ bậc từ dân cho đến vua như sau:
- Sĩ và thứ dân chỉ được thờ tới Nhất Tổ (祖, Tổ, Ông Nội).
- Các quan Ðại Phu được thờ tới Tam Tổ (高祖, Cao tổ, Kị).
- Các vua chư Hầu được thờ tới Ngũ Tổ (玄祖, Huyền tổ, Sơ).
- Hoàng Ðế (Thiên tử) thì thờ tới Thất Tổ (遠祖, Viễn tổ)
Theo đó, thờ Thất tổ chỉ dành chua Vua, dân thường không được thờ. Khi muốn thờ Tổ Tiên cao hơn nữa thì người dân nói là thờ Cửu Huyền, tránh dùng chữ Thất Tổ mà bị tội phạm thượng.
Cửu huyền tính từ bản thân mình làm cột mốc, trên chúng ta là ba thế hệ, bản thân (ta) và dưới là bốn thế hệ. Bởi vì, cuộc sống là một chuỗi mốc xích tương quan với nhau và trùng trùng duyên khởi. Thờ cúng 3 thế hệ ở trên là thờ cúng những người đã có công sanh, nuôi dưỡng và xây dựng sự nghiệp cho chúng ta nên người, uống nước nhớ nguồn... Thờ cúng 5 thế hệ sau (có cả ta): là để nhắc nhở cho chúng ta kiếp hiện tại này phải làm những điều phước thiện và tin hiểu luật nhân quả 3 đời: quá khứ – hiện tại – tương lai đều có mối quan hệ với nhau. Dân gian có câu: “Đời cha ăn mặn, đời con uống nước” hoặc câu: “Nhứt nhơn tác phước thiên nhơn hưởng, độc thọ khai hoa vạn thọ hương”...
Bàn thờ “Cửu huyền thất tổ” gồm có: Bài vị ở giữa ghi chữ 九玄七祖 (Cửu huyền thất tổ); Đôi liễn hai bên bên trái viết: 崇德九玄恩上重 (âm: Sùng đức Cửu Huyền ân thượng trọng, nghĩa: Kính bái đức độ của Cửu Huyền đó ơn cao trọng) và bên phải viết: 尊功七祖義高深 (âm: Tôn công Thất Tổ nghĩa cao thâm, tức là: Tôn trọng công nghiệp của Thất Tổ là nghĩa cao sâu).
Thực tế thì ít gia đình lập bàn thờ “Cửu huyền thất tổ” riêng mà hay để chung một bàn thờ gia tiên, và chưa chắc nhiều người có thể hiểu được “ngọn nguồn” của Cửu huyền thất tổ mà chỉ hiểu chung là nhớ ơn Tổ tiên. Cốt ở tấm lòng !