BỘ ĐỒ THỜ - Ý NGHĨA TÂM LINH SÂU SẮC

BỘ ĐỒ THỜ - Ý NGHĨA TÂM LINH SÂU SẮC

Thưởng Nguyễn
18/07/2018

BỘ ĐỒ THỜ - Ý NGHĨA TÂM LINH SÂU SẮC

Bộ đồ thờ là cách gọi dân gian dùng để chỉ bộ tam sự, ngũ sự, thất sự hay cửu sự - là những vật dụng quan trọng, không thể thiếu trên ban thờ của người Việt.

Trong tín ngưỡng của người Việt, bộ đồ thờ là những vật linh thiêng, nắm giữ sợi dây liên hệ giữa con cháu và ông bà, tổ tiên – những người đã khuất, là một sợi dây kết nối giữa quá khứ – hiện tại – tương lai. Tổ tiên được ví như cây đại thụ, con cháu được ví như cành lá; gốc có tốt thì cành lá mới sum xuê. Ban thờ chính là nơi ghi nhớ công ơn của các đấng sinh thành, đồng thời thể hiện ước mong được che chở, “phù hộ độ trì” cho cuộc sống may mắn, hanh thông, bình an, hạnh phúc của con cháu.

Bộ đồ thờ được coi là những vật quan trọng, không thể thiếu trên ban thờ. Người Việt Nam luôn chưng bộ đồ thờ này trên ban thờ gia đình và trong các buổi tế tự ở những nơi trang trọng nhất. Bộ đồ thờ này không là của riêng tôn giáo nào. Đối với những người theo Công giáo ở Việt Nam thì thánh lễ cũng là việc tế tự nên bàn thờ phải bài trí những vật dụng tế tự. Hội đồng Giám mục Việt Nam trong khuynh hướng hội nhập văn hoá, hiện nay đã chấp nhận cho các Nhà thờ Công giáo sử dụng bộ đồ thờ.


 

Bộ đồ thờ có thể là bộ tam sự, bộ ngũ sự, bộ thất sự hay cửu sự.

- Bộ tam sự gồm 3 vật là 01 lư hương và 02 cây đèn (2 chân nến).

– Bộ ngũ sự (5 món) gồm 01 lư hương và 02 cây đèn, đôi hạc.

– Bộ thất sự (7 món) gồm 01 lư hương và 02 cây đèn, đôi hạc, 02 bình hoa.

– Bộ cửu sự (9 món) gồm 01 lư hương và 02 cây đèn, đôi hạc, 02 bình hoa, 02 ống cắm hương.

Lư hương được coi là nơi hội tụ của tinh tú, là nơi để đốt trầm, tạo ra mùi hương trên bàn thờ. Nó chủ yếu để tạo ra mùi hương trầm thơm, bởi theo quan niệm từ xưa thì hương thơm thể hiện lòng thành, sự thanh khiết cao quý. Chính vì thế, lư hương với những khói trầm toả ra có tác dụng thanh lọc khí rất tốt; về mặt tâm linh thì nó hoá giải được hung khí tăng thêm cát khí, gia tăng sự hoà thuận, hiếu thảo, sự tăng tiến về trí tuệ tài lộc. Lư hương thường được đặt ở trung tâm ban thờ.


 

Hai cây đèn (Chân nến) dùng để thắp sáng và tăng thêm tính linh thiêng, huyền ảo và uy nghiêm ở bàn thờ; thường được chạm khắc ngũ phúc lâm môn, tứ linh; tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng; thể hiện cho sự phát triển, sinh sôi nảy nở và tài lộc đến với gia đình.

Hình ảnh hạc đứng trên lưng rùa biểu hiện của sự hài hòa giữa trời và đất, giữa hai thái cực âm – dương.

Theo quan niệm của người xưa, hạc là loài chim quý, có khí phách của bậc tiên nhân đạo sĩ, thường xuất hiện bên các vị thần tiên. Hạc là biểu trưng cho sự trường tồn, thanh cao, thoát tục. Hình tượng hạc ngậm ngọc minh châu thì tượng trưng cho sự cao sang quyền quý, còn ngậm hoa sen thì biểu trưng cho sự tịnh tâm và giác ngộ.

Cùng với chim hạc, rùa cũng là linh vật tượng trưng cho sự trường tồn, bất diệt. Theo truyền thuyết, rùa và hạc là đôi bạn rất thân. Rùa tượng trưng cho con vật sống dưới nước, biết bò, hạc tượng trưng cho con vật sống trên cạn, biết bay. Khi trời làm mưa lũ, ngập úng cả một vùng rộng lớn, hạc không thể sống dưới nước nên rùa đã giúp hạc vượt vùng nước ngập úng đến nơi khô ráo. Ngược lại, khi trời hạn hán, rùa đã được hạc giúp đưa đến vùng có nước. Điều này nói lên lòng chung thủy và sự tương trợ giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn của những người bạn tốt. Mặt khác, hình tượng hạc chầu trên lưng rùa còn thể hiện sự hài hòa, gắn kết giữa trời và đất, giữa hai thái cực âm và dương. Vạn vật cũng nhờ đó mà sinh sôi, phát triển.

Bộ đồ thờ được chế tác bằng rất nhiều chất liệu khác nhau, trong đó, phổ biến là đồng, gỗ, sứ…Tùy theo sự kết hợp với các vật thờ cúng khác mà chọn lựa chất liệu cho phù hợp, bảo đảm tính “ngũ hành” (đầy đủ các yếu tố Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ) cho ban thờ.
Tùy theo kích thước bàn thờ và không gian thờ cúng mà gia chủ lựa chọn bộ đồ thờ là bộ tam sự, ngũ sự, thất sự hay cửu sự. Cách bài trí phải bảo đảm tính thẩm mỹ, theo nguyên tắc đối xứng, trong đó, lư hương thường đặt ở trung tâm, phía sau bát hương, tiếp theo là đôi hạc thờ, đôi chân nến, đôi bình hoa và ống cắm hương.

Pinterest