CÁC ĐỒ THỜ CHÍNH TRÊN HƯƠNG ÁN

CÁC ĐỒ THỜ CHÍNH TRÊN HƯƠNG ÁN

Thưởng Nguyễn
18/07/2018

CÁC ĐỒ THỜ CHÍNH TRÊN HƯƠNG ÁN

Hương án là một dạng của bàn thờ thông thường, được chạm khắc họa tiết cầu kỳ và sơn son thếp vàng. Đây là không gian thờ tự tôn nghiêm, nơi tưởng nhớ cội nguồn, thể hiện lòng thành kính sâu sắc tới tổ tiên, cũng là nơi con cháu gửi gắm ước vọng được phù hộ, độ trì, mang lại may mắn, bình an, hạnh phúc cho gia đình.

Trên hương án bài trí những đồ thờ cúng. Tùy theo quan niệm từng vùng miền, nhận thức tâm linh mà những đồ thờ cúng bài trí trên hương án có khác nhau, song, những đồ thờ chính thì không thể không có, dù ở bất cứ vùng miền nào.
Trước hết, đó là bát hương. Đây là vật quan trọng nhất trên hương án. Bát hương được ví như ngôi nhà để tổ tiên và các vị thánh thần đi về, giống như cửa ngõ của nhân gian và thế giới bên kia để giúp những người còn sống bày tỏ lòng thành kính, hiếu thảo với tổ tiên đã khuất đồng thời thể hiện ước vọng, mong muốn được phù hộ gặp nhiều may mắn, tốt đẹp, con cháu phát đạt, hạnh phúc. Bát hương hình tròn tượng trưng cho Bàn Thái cực (theo quan niệm của Đạo giáo), có hoa văn trang trí hình song long trầu nguyệt, thường được làm phổ biến bằng gốm, đá và đồng - những chất liệu được người xưa quan niệm là có sức linh nhất định, sẽ hội tụ được sức mạnh thiêng liêng để ứng nghiệm cho những lời cầu xin. Xét về mặt phong thủy, bát hương bằng gốm sứ có nhiều ý nghĩa hơn, giúp ban thờ hài hòa hơn bởi theo thuyết âm dương ngũ hành, bát hương bằng gốm thể hiện hành thổ, khi nén hương đốt lên sẽ có cả ba yếu tố: hỏa (phần đang cháy), mộc (phần thân hương) và thổ (phần chân hương cắm trong bát hương). Mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, sự chuyển hóa thể hiện ước vọng sinh sôi, phát triển.

Trong nhận thức của người Việt và nhiều dân tộc trên thế giới, hương án được coi là cõi của các thần linh, mà thần linh là ở bên trên, nên trong một chừng mực nào đó bàn thờ được đồng nhất với tầng trời. Một biểu hiện rõ nét nhất của tầng trời trên bàn thờ là hương và nến. Thông thường hai cây nến được đặt ở hai góc phía ngoài để tượng cho hai vầng nhật, nguyệt, còn hương là tượng cho tinh tú. Vì thế, trong những ngày lễ hội ở các di tích và ở bàn thờ tổ tiên của người Việt, người xưa và những gia đình hiện nay có truyền thống tín ngưỡng cổ truyền không bao giờ sử dụng hương nến điện. Họ quan niệm rằng nhờ có khói mới tiếp cận được với tổ tiên và thần linh. Càng ngày hương án càng được bổ sung thêm nhiều đồ thờ khác ở chính bát hương lớn, thông thường người ta cắm vào đó một trụ cao để đốt hương vòng, ở giữa trụ này thường được gắn một chữ “hỷ” lớn. Khi thắp hương vòng, người xưa thường cho hương cháy theo chiều ngược kim đồng hồ, nhằm biểu hiện ý thức thờ mặt trời, nguồn sinh lực vô biên thuộc tư duy nông nghiệp. Trong tín ngưỡng, người ta tin sinh lực ấy được hội tụ lại rồi “chảy” qua chiếc trục đỡ hương, trục này như mang tư cách là gạch nối giữa tầng trên với tầng dưới, thông qua đó mà đem sức sống, hạnh phúc đến cho muôn loài. Vì thế, nó được sơn màu đỏ và có chữ “Hỷ”.

Gần đây, ở nhiều bát hương chính của một vài ngôi chùa (như chùa Một Cột – Hà Nội) đã cắm một cành kỳ nam khá lớn, có chùa cắm cành trầm. Tất cả những cành này thường để dạng khúc khuỷu, có khi những mẫu của cành nhỏ vẫn được giữ nguyên… Bản thân những thân và chất liệu gỗ này được gán cho có một sức linh nhất định và người ta ngầm hiểu nó mang tư cách của “cây thiên mệnh”.

Trước đây, ngoài các vật thờ cúng như nêu trên, người ta còn đặt ở đằng sau bát hương một bệ tam sơn như chiếc đế ba cấp so le, cấp cao nhất ở giữa, trên ba cấp đó đặt 3 “đài” bằng gỗ, nắp đài có chỏm hình búp sen, trong đài đặt ba chén nước nhỏ. Đôi khi, ở đình và đền, nước được thay thế bằng rượu trắng.

Thông thường trên trục chính của hương án chỉ có như vậy. Nhưng nhiều khi, người ta còn có đỉnh đồng ba hoặc bốn chân, hoặc có chiếc lư tròn ba chân – tượng cho bàn tròn thái cực. Gần đây, sự phân biệt này không còn được đặt ra nữa, người ta sử dụng đỉnh trong chùa để đốt trầm, có nơi bàn tròn thái cực được thay cho bát hương.


 

Nguyên tắc cổ xưa ở hai bên trục chính của bàn thờ được xếp theo lối “đông bình, tây quả”, phía bên trái đặt một lọ độc bình và phía bên phải đặt một chiếc mâm bồng dùng đựng ngũ quả vào ngày lễ. Sự sắp xếp trên chứa một nghĩa sâu xa mang tính triết học. Chiếc bình rất đẹp, nhưng người ta thường không sử dụng để đổ nước và cắm hoa vào đó, vì nó tượng trưng cho “tâm không” của đạo Phật (đạo Phật quan niệm rằng, muôn loài, muôn vật cùng có chung một cốt lõi. Cái bản thể uyên nguyên ấy có thể tạm hiểu như sau: lấy đầu chiếc lông thỏ gọi là mao thỏ trần chia 7 được thủy trần, thủy trần chia 7 được kim trần, kim trần chia 7 được sắc tụ trần, sắc tụ trần chia 7 được cực vi, cực vi chia 7 được lân hư trần, lân hư trần chia 7 được sắc biên tế tướng. Sắc biến tế tướng không còn mang một đặc tính nào của lông thỏ, cũng như của bất kể vật nào thuộc thế giới hình, danh, sắc, tướng, có nghĩa không là cái gì cả, nhưng theo quy luật thường hằng của tạo hóa, do duyên từ những điều kiện khác nhau chúng đã kết hợp lại thành muôn loài khác nhau. Như vậy cái không bản thể ấy là cái cốt lõi chung cùng của muôn loài muôn vật. Song, muôn loài muôn vật đã có sinh thì phải có diệt, thuộc quy luật vô thường của tạo hóa, đó là “sắc tức thị không”. Đây là quy luật phủ định. Chữ “không” trong bối cảnh này của đạo Phật đã mang hai nghĩa khác xa nhau). Do vậy, có thể nghĩ chiếc bình được coi như hiểu hiện về một khía cạnh sâu xa mang tính bản chất của đạo Phật nhằm kêu gọi chúng sinh phát triển từ tâm, vì ta cùng như người cũng như muôn loài đã cùng một gốc, đồng thời bình đã mang tính biểu tượng kêu gọi hướng đến tâm đạo, tức hướng tới trí tuệ.

Ý nghĩa về năm phương chúng sinh quần tụ, đồng thời cũng gắn với hạnh phúc từ nhà Phật tỏa đi năm phương được thể hiện trong cách bày mâm ngũ quả. Ngũ quả xưa thường được chọn có 5 màu khác nhau, màu xanh của nải chuối chưa chín – tượng cho phương Đông, màu đỏ của hồng – tượng cho phương Nam, màu vàng của bưởi – tượng cho Trung phương, quả nhạt màu – tượng cho phương Tây, quả sẫm màu – tượng cho phương Bắc. Ngày nay, do những ý niệm khởi nguyên bị tàn phai nên lối xưa ít được tuân thủ, người ta thường hay dùng những quả có nhiều hạt, nhiều tay để cầu mong sự sinh sôi phát triển trong ý thức cầu phồn thực.

Trước đây, ở hai góc trong của bàn thờ thường có hai lọ hoa, phổ biến với hai cành hoa giấy dưới dạng hoa cúc vạn thọ. Cành hoa phía đông với trung tâm là bông cúc lớn màu vàng, bao quanh là 10 bông cúc nhỏ. Cành bên tây cũng tương tự song bông chính giữa màu trắng (như để tượng cho bầu trời của ngày và đêm). Tuy nhiên, gần đây, do nhận thức ngày một phát triển và phần nào tùy tiện mà ngày nay người ta đặt lên bàn thờ không chỉ có một mâm bồng mà còn nhiều mâm to nhỏ khác nhau, thậm chí đã có hoa giấy lại đặt thêm cả hai lọ hoa tươi mà quên mất ý nghĩa của lọ độc bình, hoặc có khi cắm cả hoa tạp vào lọ độc bình đó.
Nói tóm lại, hương án là một dạng của ban thờ, là không gian thờ tự tôn nghiêm, nơi tưởng nhớ cội nguồn, thể hiện lòng thành kính sâu sắc tới tổ tiên, cũng là nơi con cháu gửi gắm ước vọng được phù hộ, độ trì, mang lại may mắn, bình an, hạnh phúc cho gia đình. Bài trí trên hương án có nhiều vật thờ cúng khác nhau, song về cơ bản, không thể không có bát hương và bộ đồ thờ (bộ tam sự, ngũ sự, thất sự hay cửu sự).

Pinterest