Ý NGHĨA VÀ CÁCH SẮP XẾP ĐỒ THỜ TRÊN BÀN THỜ GIA TIÊN

Ý NGHĨA VÀ CÁCH SẮP XẾP ĐỒ THỜ TRÊN BÀN THỜ GIA TIÊN

Mien Cao
14/03/2018

Ban thờ là nơi linh thiêng nhất đối với mỗi gia đình để ghi nhớ công ơn của tổ tiên và tỏ lòng thành kính của con cháu. Trên ban thờ bài trí đầy đủ những vật phẩm thờ cúng cần thiết. Mỗi vật phẩm có ý nghĩa, mục đích khác nhau nên cách sắp xếp cũng không giống nhau.

Hoành phi, đại tự, cuốn thư

Hoành phi câu đối là một trong những đồ thờ cúng không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ cúng của người dân Việt. Nó giúp tạo nên sự trang trọng cho không gian thờ cúng đồng thời thể hiện văn hóa, truyền thống hiếu học của nhân dân ta.

Nội dung hoành phi thể hiện công đức của tổ tiên để lại, chí hướng, lời căn dặn của tổ tiên với con cháu hoặc bày tỏ lòng tôn kính của con cháu đối với tổ tiên và những người có công với gia đình, dòng họ, đất nước. Thông thường chỉ có từ ba đến bốn chữ nhưng mỗi chữ đều phải lựa chọn cho phù hợp.

Hoành phi, đại tự, cuốn thư thường được đặt ở vị trí trên cùng của bàn thờ, hướng ra ngoài, cố định và ít di chuyển, tạo cảm giác bền vững, lâu dài. Góc treo nghiêng khoảng 25 đến 30 độ để có thể nhìn thấy một cách rõ nhất và đẹp nhất.

Câu đối

Câu đối để ghi lại những lời dạy của tổ tiên, ca ngợi công đức của dòng họ gia tộc hoặc cầu mong thái bình, thịnh vượng.Câu đối thường được treo hai bên và thấp hơn một chút so với bức hoành phi, đại tự hoặc cuốn thư.

Bát hương

 

Bát hương được ví như ngôi nhà để tổ tiên và các vị thánh thần đi về, giống như cửa ngõ của nhân gian và thế giới bên kia để giúp những người còn sống bày tỏ lòng thành kính, hiếu thảo với tổ tiên đã khuất đồng thời thể hiện ước vọng, mong muốn được phù hộ gặp nhiều may mắn, tốt đẹp, con cháu phát đạt, hạnh phúc.

Bát hương được đặt ở trung tâm bàn thờ, xếp trước bộ tam sự, ngũ sự hay thất sự. Theo dân gian, bát hương trên bàn thờ thường ứng với các số lẻ. Ở các gia đình người Việt thường là 3 bát hương để thờ Thổ công, ông bà tổ tiên và bà cô ông mãnh. Ba bát hương này khi đứng từ ngoài nhìn vào thì: bà tổ, ông mãnh bên trái, Thổ công chính giữa và gia tiên bên phải, trong đó bát hương Thổ công bao giờ cũng to hơn và đặt ở vị trí cao hơn 2 bát kia.

Ngai thờ (ỷ thờ)

 

Ngai thờ được sơn son thếp vàng hoặc PU màu gỗ , hai tay ngai có hình đầu rồng, đầu ngai nhô lên hình tròn như mặt nguyệt, phủ bên ngoài là một tấm khăn điều. Đây là nơi thờ tổ các đời của gia đình, từ cao cao tổ khảo trở xuống.

Ngai thờ được đặt ở chính giữa, phía trong cùng của ban thờ.

Khám thờ

 

Khám thờ được sơn son, kín 3 mặt (tả, hữu và mặt sau), mặt trước là cửa sổ nhỏ có thể khép mở, trong cùng là bài vị của vị tổ khai sáng ra dòng họ. Vị này đã được thờ ở các nhà thờ họ, nhưng các gia đình đều có thờ riêng. Những gia đình không thờ tổ tiên thì dành phần này để thờ các vị thần mà gia chủ nhận là thần bảo hộ cho nhà mình như ngũ đại tổ cô, tam đại tổ cô... Trường hợp ấy, cái khám này được gọi là tịnh.

Ngũ sự đỉnh đồng

Đỉnh thờ sẽ được dùng để đốt trầm hương trong những ngày tuần nhật, ngày lễ hoặc ngày Tết tạo ra không khí linh thiêng qua đó thể hiện lòng thành kính, biết ơn với tổ tiên đã khuất.

Đỉnh thờ được thiết kế với nắp đỉnh là con lân, con nghê trong tư thế nhìn ra ngoài, là hiện thân của sức mạnh tầng trên, của trí tuệ, của sự trong sáng. Đỉnh có 3 chân, mỗi chân của đỉnh đồng được coi như một con quỳ là một loài linh vật có đầu giống hổ phù nhưng lại chỉ có một chân, gắn liền với sự xuất hiện của thánh nhân – những con người tài giỏi xuất thế cứu đời.

Đỉnh thờ được đặt ở trước ngai thờ và sau bát hương theo đúng quy tắc một chân đưa ra phía trước hai chân để phía sau với ý nghĩa tượng trưng cho người chính nhân quân tử.

Ngoài ra còn có, Di ảnh thờ của ông bà tổ tiên sẽ được đặt ở vị trí hai bên phía trong bàn thờ đối xứng nhau theo nguyên tắc thuật phong thủy là “tả nam hữu nữ” (bên trái đặt ảnh nam và bên phải là nữ).

Đôi chân nến

Đôi chân nến là vật không thể thiếu trên bàn thờ, được dùng để đặt nến thắp mang lại ánh sáng cho ban thờ và dùng để giữ lửa châm hương. Đôi chân nến được đặt ở cạnh hai bên đỉnh thờ và sau bát hương. Chân nến bên tả ở hướng Đông sẽ tượng trưng cho hành Dương có nghĩa là mặt trời, chân nến bên hữu ở hướng Tây sẽ tượng trưng cho hành Âm có nghĩa là mặt trăng. Đôi chân nến thờ tượng trưng cho nhật nguyệt, nhật nguyệt đổi vần tuần tự ngày và đêm sẽ giúp cho vạn vật sinh sôi nảy nở, sự sống phát triển.

Đôi hạc thờ

Đôi hạc thờ thường đặt ở vị trí cạnh hai bên đôi chân nến. Thông thường, đôi hạc thờ sẽ được tạo hình đứng trên mai rùa với ý nghĩa thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa trời và đất, âm và dương. Theo quan niệm của người Việt thì con rùa là một trong 4 linh vật đó là long, lân, quy, phụng biểu trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu. Hạc lại là loài vật linh thiêng thường được xuất hiện bên các vị thần tiên và tượng trưng cho sự trường thọ. Vì thế, hình ảnh con hạc đứng trên lưng rùa mang ý nghĩa biểu thị cho khát vọng trường tồn.

Mâm bồng

Mâm bồng thờ được đặt ở ngay trước và hai bên ban thờ. Bên trái ban thờ sẽ được dùng để đặt hoa và mâm bồng bên phải sẽ dùng để đặt quả. Xưa kia theo truyền thống thì các cụ thường xây nhà với kiến trúc 3 gian 2 trái quay ra hướng Nam nên bàn thờ cũng sẽ quay theo hướng Nam nên mái nhà hướng theo trục Đông-Tây. Vì vậy, mâm bồng ở bên đông đựng hoa gọi là Đông bình, mâm bồng bên Tây đặt quả được gọi là Tây quả. Cách sắp xếp này còn mang ý nghĩa rằng phía đông mặt trời mọc sẽ khiến cho muôn hoa đua nở, đến khi hết một vòng mặt trời sẽ lặn ở hướng Tây cũng là lúc cây cối kết trái. Đây cũng là mong muốn, ước nguyện của con người mùa màng tươi tốt, mùa nào thức ấy.

Đài thờ (hoặc chóe thờ)

Bộ đài thờ gồm 3 đài nhỏ có nắp, trên nắp có núm để cầm. Ba chiếc đài thờ này được dùng để đặt các chén nhỏ bên trong đựng nước, rượu, muối hoặc gạo tùy theo phong tục từng vùng miền. Vào những ngày thường, đài thờ (hoặc chóe thờ) sẽ không dùng tới nên được đậy nắp lại để tránh bụi bẩn.

Đài thờ (hoặc chóe thờ) được đặt ở vị trí trước bát hương.

Khay chén thờ (hoặc ngai chén thờ)

Bộ khay chén thờ (hoặc ngai chén thờ) thường gồm 3 chén hoặc 5 chén, được đặt ở vị trí trước bát hương phía Tây và dùng để đựng nước hoặc rượu.

Đèn thờ

Đèn thờ (còn gọi là đèn thái cực) tượng trưng cho ngôi thái cực của Đức Chí Tôn. Ngôi thái cực chính là khối đại linh quang được coi là khởi điểm của vũ trụ càn khôn. Và mỗi linh hồn người chết là một điểm tiểu linh quang chiết ra từ khối đại linh quang ấy. Ngoài ra, đèn thái cực còn tượng trưng cho cái tâm của con người. Đèn thái cực luôn sáng biểu trưng cho cái tâm luôn sáng của con cháu. Xưa kia đèn thờ được thắp bằng dầu nhưng ngày nay được thay bằng điện.

Đôi đèn thờ thường được đặt ở vị trí bên trong và đối xứng hai bên bàn thờ và luôn được thắp sáng.

Ống đựng hương

Đôi ống hương được sắp xếp ở vị trí hai bên ngoài của ban thờ, dùng để đựng hương đốt vào những ngày tuần nhật, lễ tết dâng lên tổ tiên.

Đôi lọ hoa

Đôi lọ hoa được sắp xếp ở vị trí hai bên ngoài cùng bàn thờ, dùng để cắm hoa tươi trong những ngày lễ, ngày tết./.

Pinterest