ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI

ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI

Mien Cao
27/04/2018

ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI

Phật Thích Ca Mâu Ni, tên thật là Tất-đạt-đa, là một đạo sư có thật từng sống ở Ấn Độ cổ đại khoảng giữa thế kỷ thứ VI và IV trước công nguyên.

Cha ông là Tịnh Phạn, tông chủ của thị tộc Thích-ca tại thành quốc Ca-tỳ-la-vệ, một tiểu quốc nằm ở vùng biên giới Ấn Độ và Nepal ngày nay. Mẹ ông tên là Mayaydevi, thuộc thị tộc Koli láng giềng.
Tất-đạt-đa được sinh ra tại vườn Lâm-tỳ-ni thuộc Nepal ngày nay. Theo các kinh điển Phật giáo, ngay từ lúc sinh ra, ông đã có đầy đủ tướng 32 tướng tốt nên các nhà tiên tri đều cho rằng ông sẽ trở thành một đại đế vĩ đại hoặc là một thánh nhân xuất thế, một bậc giác ngộ tối thượng. Bảy ngày sau khi sinh, mẹ của ông mất, ông được người dì chăm sóc. Năm 16 tuổi, Tất-đạt-đa kết hôn với công chúa Yaśodharā của thị tộc Koli. Ông sống một cuộc sống thanh tịnh dù là một thái tử đến năm 29 tuổi cho đến khi bắt đầu lên đường tìm chân lý đích thực.
Sau 6 năm cầu đạo, ông đạt được giác ngộ tâm linh và dành 49 năm cuối của cuộc đời mình cho việc truyền dạy giáo lý ở phía Đông Ấn Độ. Ông đã đề xướng con đường Trung đạo, vừa từ bỏ đời sống xa hoa, vừa từ bỏ lối tu ép xác khổ hạnh. Những lời giáo pháp trong thời gian ông đi truyền bá đã đặt nền tảng cho sự hình thành của Phật giáo.
Phật Thích Ca Mâu Ni còn được biết đến các danh xưng khác: Như Lai (là Mặt Trời hồng không bao giờ tắt), Ứng Cúng (là "Người đáng được cúng dường", đáng được tôn kính), Chính Biến Tri (là "Người hiểu biết đúng tất cả các pháp"), Minh Hạnh Túc (là "Người có đủ trí huệ và đức hạnh"), Thiện Thệ (là "Người đã đi một cách tốt đẹp"), Thế Gian Giải (là "Người đã thấu hiểu thế giới"), Vô Thượng sĩ (là "Đấng tối cao, không ai hơn"), Điều Ngự Trượng Phu (là "Người đã chế ngự được bản ngã và nhân loại"), Thiên Nhân Sư (là "Bậc thầy của cõi người và cõi trời"), Phật Thế Tôn (là "Bậc giác ngộ được thế gian tôn kính").


Tượng Phật Thích ca được đặt ở bệ tượng thứ 3 ở Thượng điện, trước bệ tượng Phật A Di Đà. Tượng Phật Thích Ca bày ở giữa, bên trái là tượng Ca Diếp, bên phải là tượng A Nan Đà.
Tượng Phật Thích Ca mặt tròn, đỉnh đầu có gò thịt nổi cao, cằm vuông vức, đôi mắt khép lại ba phần tư, nơi ấn đường (chỗ đầu hai lông mày giao nhau) có nốt ruồi đỏ. Tai dày, tròn, đầy đặn, thành quách phân minh, sắc trắng hơn mặt. Hai tay dài và dày. Ngực có chữ Vạn, mình vàng, sắc hoàng kim.
Cũng tùy theo bố trí thờ cúng của mỗi chùa mà tượng Phật Thích Ca có các tư thế đứng, ngồi khác nhau, thường được tạc ở 4 tư thế dựa theo cuộc đời của Người:
Tượng Cửu Long diễn tả khi mới giáng sinh.
Tượng Tuyết Sơn diễn tả khi đang tu hành khổ hạnh ở núi Tuyết Sơn.
Tượng thuyết pháp diễn tả lúc đang ngồi thuyết pháp khi đã đắc đạo.
Tượng Niết Bàn diễn tả khi đang vào cõi Niết Bàn./.

Pinterest