
QUAN ÂM BỒ TÁT
QUAN ÂM BỒ TÁT
Quan Âm, nguyên là Quán Thế Âm nhưng do tránh chữ "Thế" trong tên nhà vua Đường là Lý Thế Dân nên gọi là Quan Âm hoặc Quán Âm, cùng với Phổ Hiền, Văn Thù và Địa Tạng là 4 vị đại Bồ tát của Phật giáo.
Quan Thế Âm là một Bồ Tát đã dầy công tu luyện hàng triệu năm nên có thể nghe thấy tiếng kêu than nhỏ nhất của chúng sinh đau khổ ở khắp mọi nơi, với lòng từ bi hay cứu khổ cứu nạn, ngài có thể hiện ra với những sắc tướng khác nhau khi người ta tụng niệm đến danh hiệu. Theo kinh Phật, ngài thường xuất hiện ra dưới những sắc tướng như:
Quan Thế Ầm Vô Uý (không sợ hãi) thường dùng phép bố thí vô uý đế cứu vớt chúng sinh trong cơn sợ hãi.
Quan Thế Âm Nam Hải là vị Bồ Tát ở miền Nam Hải tìm những nơi có những lời than khổ mà cứu vớt khỏi tai nạn.
Quan Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn (nghìn tay nghìn mắt) là vị Bồ Tát có sắc tướng nghìn tay nghìn mắt, có thể nhìn thấu suốt mọi việc trong dân gian, không việc gì không làm được.
Phật Bà Quan Âm là Quan Thế Âm dưới hình tượng phụ nữ, rất gần gũi với chúng sinh đau khổ. Quan Thế Âm đã có lời nguyện rằng: “Hễ ở đâu có đến con ruồi con muỗi phải đau khổ là có ta ở đó”. Ngài truyền lại câu thần chú linh diệu: “Ám ma ni bát minh hồng” (Om mani padme hum).
Trong thần thoại, văn học bác học, văn học dân gian, hay trong kinh sách nhà Phật thì Quan Thế Âm Bồ Tát được xem là vị Bồ Tát có thần lực nhất, chỉ sau Phật Tổ. Điều này là do Quan Âm là vị Bồ Tát cứu độ chúng sanh, là Bồ Tát đặc trưng cho tinh thần của Phật giáo Đại thừa - giác tha, có nghĩa là cứu vớt và giác ngộ người khác.
Quan Âm Bồ Tát được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, nhưng phổ biến nhất là dạng một vị Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt. Có khi Quan Âm ẵm trên tay một đứa bé, có khi một đồng tử theo hầu. Người ta cũng hay vẽ Quan Âm hiện trong mây, hoặc cưỡi rồng trên thác nước. Hình ảnh Quan Âm đứng trên một hải đảo cứu người bị nạn cũng phổ biến, biển cả tượng trưng cho Luân hồi. Tay Quan Âm thường cầm hoa sen hay bình nước Cam lồ./.