Cửa võng - Một số nét khái lược
Cửa võng - Một số nét khái lược
Cửa võng là một thành phần kiến trúc trang trí, làm tăng tính uy nghi và trang trọng của không gian thờ cúng của người Việt. Cửa võng là một loại “cửa giả” nhưng ngắn và không có cánh cửa đi kèm có dạng chữ “M”. Ở phần trên cùng, người ta trang trí hoa văn thường võng xuống. Gọi là “cửa võng” là vì vậy.
Cửa võng có nhiều mẫu. Mỗi mẫu được thiết kế các họa cảnh theo các "tích cổ" khác nhau (chủ yếu là các chủ đề xoay quanh tứ linh và tứ quý(long, ly, quy, phượng,tùng cúc trúc mai). Mỗi sự kết hợp hoặc mô tả riêng của các chủ đề cho ta một mẫu cửa võng. Vì vậy mẫu cửa võng rất phong phú và đa dạng, với nhiều tên gọi như : Cửa võng Tứ linh, cửa võng tứ quý, cửa võng tứ quý hóa tứ linh, cửa võng hồng hóa, cửa võng hồng trĩ cửa võng thất phượng,v.v.. Cửa võng được dùng cho nhiều không gian thờ tự khác nhau, từ đình làng, đền phủ, chùa chiền, miếu điện... đến các gian thờ gia tiên ở mỗi gia đình. Cửa võng được bố trí theo những thể thức vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt, trong đó phổ biến nhất là thể thức đối xứng, thể thức chia ô, thể thức tạo lớp, tầng. Thể thức đối xứng trong trang trí cửa võng tạo nên một tổng thể quy định chặt chẽ, mang tính chất quy luật, tạo sự cân bằng cho bố cục, về hình tượng, về độ đậm nhạt, về nhịp điệu không gian... Thể thức chia ô là công thức chia các ô theo thể hình chữ nhật. Tùy theo ô hình chữ nhật nằm dọc hay nằm ngang mà các ô bên trong sẽ có chiều hướng tương phản với ô bên ngoài. Ví dụ: ô lớn nằm dọc thì các ô nhỏ bên trong được chia nằm ngang, trong tổng thể ô lớn nằm ngang thì các ô nhỏ bên trong được kết cấu nằm dọc…
Thể thức tạo lớp, tầng. Tầng là hình thức chồng hoặc tạo ra nhiều đợt lên nhau theo chiều cao, còn lớp là cách tạo các đợt đuổi nhau cao dần theo chiều sâu. Tạo tầng, lớp trong trang trí cửa võng ngoài việc tạo chiều cao và độ sâu cho không gian còn mang ý nghĩa tượng trưng cho các tầng lớp theo quan niệm dân gian về thế giới con người, thần thánh... Mỗi thể thức trang trí đã mang lại một hiệu quả tạo hình riêng. Cách phân tầng tạo cảm giác cửa võng như cao hơn, đồ sộ và trang trọng hơn; cách tạo lớp gây ấn tượng về chiều sâu không gian; còn cách tạo bố cục đối xứng đăng đối có tác dụng tạo nên một thể thống nhất, chặt chẽ, trang nghiêm cho không gian thờ cúng./.
Cửa võng tại Đồ thờ Hải Mạnh
Một sản phẩm hoàn chỉnh tại một ban thờ gia đình