​ĐẠO MẪU – NHỮNG GIÁ TRỊ CƠ BẢN

​ĐẠO MẪU – NHỮNG GIÁ TRỊ CƠ BẢN

Mien Cao
17/05/2018

ĐẠO MẪU – NHỮNG GIÁ TRỊ CƠ BẢN

Đạo Mẫu vốn là tín ngưỡng bản địa, giữ vị trí ngày càng quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Gạt bỏ những yếu tố tâm linh, tín ngưỡng thần bí, Đạo Mẫu hấp dẫn, lôi cuốn bởi tính nghệ thuật và nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

1. Đạo Mẫu - Một di sản văn hóa nghệ thuật độc đáo

Đạo Mẫu và các hình thức hầu đồng, hầu bóng, chầu văn đều ẩn chứa những giá trị văn hoá nghệ thuật rất phong phú, là các hình thức văn học truyền miệng, diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa, các hình thức trang trí, kiến trúc…, là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh, là một hình thức sân khấu tâm linh kết tinh sự uy nghi, sang trọng, tràn ngập niềm vui và vẻ đẹp thẩm mỹ. Đó là một giá trị quan trọng để “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 01/12/2016./.

Tín ngưỡng thờ Mẫu ngày càng có sức lôi cuốn rất lớn

2. Giá trị nhận thức thế giới

Có thể nói, với Đạo Mẫu, người Việt không chỉ nhân hóa tự nhiên mà còn nữ tính hóa tự nhiên, làm cho việc sùng bái tự nhiên thành sùng bái con người mang nữ tính. Nói cách khác, với Đạo Mẫu, việc tôn thờ Mẫu không chỉ với tư cách là hiện thân của bản thể tự nhiên như Mẹ Tứ Pháp (Mẹ Mưa, Mẹ Mây, Mẹ Sấm, Mẹ Chớp) hay Mẹ Ngũ Hành (Mẹ Kim, Mẹ Mộc, Mẹ Thủy, Mẹ Hỏa, Mẹ Thổ), mà còn là lực lượng cai quản tự nhiên (Mẫu Thiên cai quản vùng trời, Mẫu Địa cai quản vùng đất, Mẫu Thoải cai quản vùng nước sông biển, Mẫu Thượng Ngàn cai quản vùng núi rừng) nên người Mẹ Tự Nhiên ấy có thể che chở, mang lại những điều tốt lành cho con người.

Người xưa thiêng hóa tự nhiên, sùng bái tự nhiên cũng chính là để bảo vệ tự nhiên. Cách nhận thức thế giới theo kiểu “nhất thể hóa” này có mặt tích cực, giúp con người hòa đồng với tự nhiên, cảm nhận tự nhiên, lắng nghe tự nhiên, mà cuối cùng bảo vệ tự nhiên một cách hữu hiệu hơn. Điều này càng trở nên quan trọng khi môi trường đang trở thành vấn đề toàn cầu cần giải quyết.

3. Giá trị nhân sinh

Không như nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác, Đạo Mẫu không hướng con người và niềm tin của con người về thế giới sau khi chết, mà hướng con người đến thế giới hiện tại, thế giới mà con người cần phải có sức khỏe, có tiền tài và quan lộc. Đó là một nhân sinh quan tích cực, thể hiện tư duy “thực tế”, “thực dụng” của con người Việt Nam. Lúc này, niềm tin vào cái siêu nhiên mà Thánh Mẫu là đại diện chỉ mang tính phương tiện, còn mục đích sống của con người mới là quan trọng.

3. Đạo Mẫu - chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa

Thông qua các truyền thuyết và huyền thoại, qua các nghi lễ và lễ hội, Đạo Mẫu đã thể hiện rõ ý thức lịch sử và ý thức xã hội của mình. Trong điện thần của Đạo Mẫu, hầu hết các vị Thánh đã được lịch sử hóa, tức là đều hóa thân thành những con người có danh tiếng, có công trạng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tất nhiên, trên thực tế có không ít những vị Thánh thần có “nguyên mẫu” trong lịch sử (như Trần Hưng Đạo – Đức Thánh Trần, Mẹ Âu Cơ – Mẫu Thượng Ngàn, Lê Khôi hay Nguyễn Xí – Ông Hoàng Mười, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan - Ông Hoàng Bơ, Bà Lê Chân – Thánh Mẫu Bát Nàn…). Tuy nhiên, cũng không hiếm các vị thần linh, vốn là các thiên thần hay nhiên thần, nhưng lại được người đời “nhân thần hóa” hay “lịch sử hóa”, gán cho họ có sự nghiệp, có công trạng với đất nước hay từng địa phương. Đây không phải là việc làm tùy tiện, ngẫu nhiên, mà đều xuất phát từ ý thức lịch sử và ý thức xã hội. Đó chính là ý thức “hướng về cội nguồn”, “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh những người có công với dân với nước. Bằng cách đó, Đạo Mẫu gắn bó với cội nguồn và lịch sử dân tộc, đã trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tín ngưỡng hóa, tâm linh hóa, mà trong đó người Mẹ - Mẫu là nhân vật trung tâm./.

Pinterest