ĐI CHÙA LỄ PHẬT – NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM PHỔ BIẾN
ĐI CHÙA LỄ PHẬT – NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM PHỔ BIẾN
Đi chùa lễ Phật là một nét đẹp văn hóa truyền thống của con người Việt Nam từ xưa đến nay. Song không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa sâu sắc của nó mà phần lớn còn đang tồn tại những quan niệm sai lầm dẫn đến những hành vi sai chuẩn, những biến tướng đáng buồn về tôn giáo, tín ngưỡng hiện nay.
1. Quan niệm Đức Phật như là một vị thần, vị thánh???
Phật giáo không phải là tôn giáo bản địa của người Việt. Đó là một tôn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, được du nhập vào Việt Nam không hoàn toàn trực tiếp mà có thêm từ một vài nước thứ ba nên Phật giáo tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi so với giá trị nguyên bản.
Một bộ phận không nhỏ người Việt nhận thức chưa đúng đắn về Đức Phật. Lối tiếp nhận đơn giản kiểu quan niệm của nhiều người Việt cho rằng Đức Phật trở thành một vị thần thánh có nhiều phép thần thong, rằng Đức Phật càng gần gũi với họ càng tốt để dễ dàng ban phát, phù hộ cho mình. Điều này dẫn đến tình trạng họ tìm đến Đức Phật để cầu xin cho mình những giá trị thực tiễn như tiền tài, may mắn, địa vị… mà quên đi rằng Đức Phật chỉ là là một nhà tư tưởng và họ mới chính là chủ thể quyết định chính cuộc sống của mình.
Phật giáo do đức Thích Ca Mâu Ni là người khởi xướng. Ông là một con người hiện thực, một con người có thật, với những tư tưởng triết học và giáo lý khuyên răn con người về việc hướng thiện, về luật nhân quả, tự mình làm việc thiện sẽ nhận lại cho mình những điều tốt đẹp. Đức Phật ở đây mang ý nghĩa là một nhà tư tưởng chứ không phải là một vị thần, vị thánh.
Đi chùa không phải là để cầu xin!
2. Quan niệm chùa này thiêng hơn chùa kia, tự này linh tự kia???
Đây là một quan niệm phổ biến trong một phận lớn cư dân Việt, dẫn đến hiện tượng một vài ngôi chùa cứ đến mùng Một, ngày rằm, ngày lễ người dân ùn ùn đổ về cúng lễ. Đây là một quan niệm sai lầm. Không có chuyện Phật ở chùa này linh hơn chùa khác, ở tự này thiêng hơn tự khác. Bởi, tất cả các chùa, các tự đều là cơ sở thờ tự của Phật giáo, đều cùng thờ một Đức Phật từ bi hỉ xả, phổ độ chúng sinh. Con người đến chùa lễ Phật là để tu bản thân mình chứ không phải coi Đức Phật như một vị thánh đem đi điều không may, mang đến điều tốt lành mà coi thánh nơi này thiêng hơn thánh nơi khác.
3. Quan niệm đi chùa lễ Phật là để cầu xin???
Như đã nói ở trên, Đức Phật là một nhà tư tưởng chứ không phải là một vị thánh, một vị thần. Nên, người ta lạy Phật là vì quý kính công đức trí tuệ gương cao cả của Phật để noi theo, lạy Phật để thấy mình còn thấp thỏi ti tiện để tu rèn thêm; người ta đến chùa là vì quí kính một đấng lòng từ bi tràn trề, giác ngộ viên mãn; đến chùa là để tu thân, để học hỏi chánh pháp, tập tu đức hạnh, chứ không vì van xin tha tội, không vì cầu mong ban ân.
Công đức tiền lẻ ngày càng nhiều biến tướng
Những hành vi đang có nhiều biến tướng hiện nay như đi chùa thì lại cúng mặn, đốt vàng mã vô độ, công đức tiền lẻ bừa bãi, xô lấn, chen đẩy, tranh cướp lộc… đều bắt nguồn sự thiếu hiểu biết, nhận thức sai lệch trên. Một thực tế đáng buồn cần nhanh chóng khắc phục./.