HOÀNH PHI, CÂU ĐỐI – VẺ ĐẸP THẨM MỸ VÀ GIÁ TRỊ GIÁO DỤC
HOÀNH PHI, CÂU ĐỐI – VẺ ĐẸP THẨM MỸ VÀ GIÁ TRỊ GIÁO DỤC
Đối với người Việt, từ xưa đến nay, hoành phi, câu đối luôn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, nhất là trong đời sống tâm linh, mặc dù được thể hiện dưới nhiều hình thức phong phú, độc đáo khác nhau song đều mang nhiều vẻ đẹp thẩm mỹ và giá trị giáo dục. Qua hoành phi, câu đối, chúng ta nhận thấy được sự uyên bác trong việc chọn lựa câu chữ, sự tinh tế, sâu sắc trong tình cảm của con người gửi gắm trong đó. Hoành phi, câu đối là một phần những giá trị truyền thống mà người dân Việt muốn lưu giữ và truyền dạy cho con cháu muôn đời.
1. Vẻ đẹp thẩm mỹ
Thông thường, đôi câu đối được treo dán hai bên phải trái hoặc các cột trụ hai bên của cửa ra vào, của không gian thờ cúng, được phối hợp thêm bức hoành phi treo phía trên tạo thành một hình thế chữ Môn, dựng nên một kiến trúc đối xứng nhiều giá trị thẩm mỹ.
Về mặt ngôn ngữ, đối xứng về thanh là đặc điểm của các ngôn ngữ đơn tiết tính như tiếng Trung Quốc, tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác của Á Đông, do đó nó cho phép tạo ra sự đối xứng hoàn toàn trong hai câu văn, trong khi ngôn ngữ đa âm chỉ tạo ra sự đối ý.
Hoành phi, câu đối thường được viết hết sức ngắn gọn, lối tu từ, dùng từ được chắt lọc cẩn thận, tỉ mỉ, thể hiện phong cách cũng như tài năng của người viết. Xưa kia, tùy người, tùy hoàn cảnh mà người ta xin chữ, cho chữ. Điều này thể hiện lối sống, văn hóa nho nhã của người dân Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Nó cũng phần nào phản ảnh tư tưởng, lối sống và cách tư duy của từng vùng, từng miền. Vì vậy, mặc dù sử dụng những từ ngữ đơn giản nhưng thông qua cách thể hiện, lối viết chữ và chất liệu được sử dụng khi viết luôn thể hiện được rất nhiều ý nghĩa trong cuộc sống của người Việt. Giá trị về hình thức góp phần tô điểm và làm sâu sắc thêm giá trị về mặt nội dung.
Khởi nguồn, câu đối là sự thực tập học đường ban sơ của các nho sinh bằng chữ Hán - Việt. Thầy đồ đặt ra câu đầu và học trò sáng tác các vế đối lại hoặc sóng đôi. Bởi sự tìm tòi các tư tưởng ứng với các ý tưởng sóng đôi hay đối nghịch, bởi sự phối trí và sự nhất quán của các thành phần trong câu văn, cái thi thố về đối liên tạo ra “một môn thể dục thực sự trí tuệ”, rất hữu ích cho sự phát triển tài năng trí thức của con người. Ngoài ra, sự sáng tác đó thường bộc lộ cái cá tính và năng khiếu của nho sinh. Nói văn phong chính là người là ở trường hợp này.
Câu đối chỉ thực sự hay, có ý nghĩa khi chúng ta có những kiến thức đầy đủ về biền văn để có thể đặt ra các câu đối, bài văn, hay ít ra để nhập tâm các quy tắc mà chúng thống trị sự tạo ra chúng.
2. Giá trị giáo dục
Hoành phi giống như tiêu đề trong một bài văn, mang ý nghĩa khái quát tư tưởng chủ đề, làm nổi bật nội dung cần biểu đạt và tăng thêm ý nghĩa cho câu đối.
Hoành phi có nhiều loại, có loại dùng cho nhà thờ họ, có loại chỉ dùng cho đền chùa, có loại treo ở bàn thờ gia tiên, nhưng về nội dung, tất cả đều thể hiện công đức của tổ tiên để lại, chí hướng, lời căn dặn của tổ tiên với con cháu hoặc bày tỏ lòng tôn kính của con cháu đối với tổ tiên và những người có công với gia đình, dòng họ, đất nước, ví như: “Vạn cổ anh linh” (Muôn thuở linh thiêng), “Hộ quốc tỳ dân” (Bảo vệ nước, che chở cho dân), “Truy niệm tiền ân” (Tưởng nhớ ân xưa), “Lưu phúc lưu ân” (Lưu giữ mãi ơn đức), “Hải đức sơn công” (Công đức như biển rộng núi cao), “Tả hữu linh quan” (Quan ngự ở bên phải bên trái đều linh thiêng), “Đức lưu quang” (Đức độ toả sáng), “Phúc mãn đường” (Phúc đầy nhà), “Ẩm hà tư nguyên” (Uống nước nhớ nguồn), “Bách nhẫn thái hoà” (Trăm điều nhịn, giữ hoà khí), “Trung hậu gia thanh” (Nếp nhà trung hậu), “Gia môn khang thái” (Cửa nhà yên vui), “Quang tiền dụ hậu” (Rạng đời trước, sáng cho sau), “Tất hữu hưng” (ắt sẽ hưng thịnh), “Phúc lai thành” (Phúc sẽ tạo nên), “Phúc thọ vô cương” (Phúc thọ không biên giới), “Phúc thọ hải sơn” (Phúc thọ như biển như núi)...
Cùng với hoành phi, câu đối có một giá trị trọng yếu trong đời sống tinh thần, đạo đức, luân lý cũng như tình cảm của người Á Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng. Người xưa quan niệm, có được một câu đối hay treo trên tường không khác nào có một ông thầy nghiêm, người bạn tốt ở trước mặt, ý nghĩa nó như biết nói năng, nét bút nó như muốn cử động, lại nhờ thêm được tay thợ khéo khắc, nước sơn tốt màu, thì thật là khiến cho người tặng, lúc đưa cũng phải hài lòng, người nhận lúc treo cũng phải thích chí và sau đó, bao nhiêu người trông, người đọc cũng phải tấm tắc khen như lấy làm ưa chuộng quyến luyến, như lấy làm khoái lạc mê say vậy. Văn chương tuyệt cú đấy, bức họa thần bút đấy, mỹ thuật đấy, kỷ niệm đấy, lưu danh thiên cổ cũng đấy.
Một số câu đối hay thường được dùng như:
1. Kiến tạo gia phong tân cốt cách
Bảo tồn quốc giáo cổ tinh hoa
(Dựng xây cốt cách gia phong mới
Giữ gìn tinh hoa quốc giáo xưa.)
2. Tộc tính quý tôn, vạn đại trường tồn danh kế thịnh
Tổ đường linh bái, thiên niên hằng tại đức lưu quang.
(Họ hàng tôn quý, chẳng phai mờ công danh muôn thuở
Tổ miếu linh thiêng, còn tỏa sáng phúc đức nghìn thu)
3. Thân tộc lạc quan hi thế hóa,
Đôn luân như kiến nghĩa môn phong.
(Gia tộc mừng trông giáo hóa tốt đẹp,
Vun bồi đạo đức, như thấy phong khí của gia đình hiếu nghĩa.)
4. Triệu nhân ngật dụng hữu thành, hiếu tư duy tắc;
Thế đức khắc xương quyết hậu, phúc lí vĩnh tuy.
(Gây mối thờ tự tốt đẹp, lòng hiếu kính đó là khuôn phép;
Đức lớn cháu con thịnh vượng, phúc lộc dõi truyền.)
5. Bách thế bản chi bồi chỉ phúc,
Nhất gia trữ trục thụ phong thanh.
(Gốc cành trăm đời vun phúc lớn,
Rường cột một nhà nức tiếng thơm.)
6. Đức thừa tiên tổ thiên niên thịnh
Phúc ấm nhi tôn bách thế vinh
(nghìn năm thịnh tổ tiên xưa tích đức
Trăm đời vinh, con cháu được nhờ ơn)
7. Thượng bất phụ tiên tổ di lưu chi khánh
Hạ túc vi hậu nhân chiêm ngưỡng chí tiêu
(trên chẳng phụ phúc đức tổ tiên truyền lại
Dưới đủ làm gương sáng cho con cháu noi theo.
8. Công đức lưu truyền thiên cổ niệm
Thạch bi ký giám ức niên hương
(Công đức lưu truyền nghìn năm nhớ
Bia đá khắc ghi muôn thuở thơm)
9. Phiến niệm truy tư truyền bản tộc
Bách niên hương hỏa ức tiên công.
(Tấm lòng tìm hiểu về dòng họ
Trăm năm hương hỏa nhớ công xưa.)
10. Tổ đức cao minh tư phú ấm
Tôn thừa phụng sự thọ nhân hòa.
(Phúc ấm nhớ về tổ đức sáng
Nhân hòa thờ mãi, việc cháu con.)
11. Đức tổ quang vinh hương vạn cổ
Từ môn hiển hách tráng thiên thu.
12.- Đại hiếu đại trung, đức trọng lưu truyền vạn cổ
Chí tình chí nghĩa, đạo cao cảm hóa thiên thu.
13. Công đức vĩnh truyền tiên thế phả
Thuần bàng bất cải ngã gia phong
14. Đức trạch trường lưu thiên lý thuận
Ân quang phổ chiếu vạn gia xuân
15.Phúc địa tâm điền nghi mỹ quả
Hiền tôn hiếu tử tức danh hoa.
16. Tiên tổ thiên niên phù hậu duệ
Tử tôn hậu thế vọng tiền nhân.
17. Phúc đức tổ tiên gieo trồng từ thuở trước
Nhân tâm con cháu bồi đắp mãi về sau
Mời các bạn tham khảo một số mẫu hoành phi, câu đối của Đồ thờ Hải Mạnh (dothogiadinh.vn)