KINH NGHIỆM HẠN CHẾ TÁC ĐỘNG CỦA THỜI TIẾT NẮNG NÓNG ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM ĐỒ THỜ BẰNG GỖ

KINH NGHIỆM HẠN CHẾ TÁC ĐỘNG CỦA THỜI TIẾT NẮNG NÓNG ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM ĐỒ THỜ BẰNG GỖ

Mien Cao
19/05/2018

KINH NGHIỆM HẠN CHẾ TÁC ĐỘNG CỦA THỜI TIẾT NẮNG NÓNG ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM ĐỒ THỜ BẰNG GỖ

Đối với người Việt, bất cứ gia đình nào cũng có một không gian thờ tự để thể hiện lòng hiếu thảo, hướng về nguồn cội, là “nơi đi về” của các vị gia tiên chứng giám và phù hộ, độ trì cho con cháu bình an, mọi việc hanh thông. Đây là một không gian hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc và giá trị đặc biệt trong đời sống của con người Việt Nam. Bởi vậy, bất cứ người con đất Việt nào cũng rất chú trọng coi sóc thật tốt cho không gian linh thiêng này, từ việc nghiên cứu, tham khảo, lựa chọn sản phẩm, bài trí ban thờ đến việc bảo quản thường xuyên.

Đồ thờ bằng gỗ có rất nhiều sản phẩm phong phú (như bàn thờ, án gian, tủ thờ, sập thờ, hoành phi, câu đối, đại tự, cuốn thư, ngai, khám, ỷ, cửa võng, thiều châu…). Mặc dù gần đây, một số sản phẩm được làm bằng gỗ công nghiệp (MDF, MPF,… v.v), song phần lớn các sản phầm đồ thờ vẫn được làm từ gỗ tự nhiên là chủ yếu như gỗ mít, vàng tâm, tràm, hương, gụ, dổi… bởi độ bền, tính vững trãi, đảm bảo yêu cầu rất khắt khe về tâm linh, hàm nghĩa “hướng về nguồn cội”, “xuất phát từ tự nhiên” như cuộc sống vốn có của con người.

Cũng như tất cả mọi vật khác, đồ thờ nói riêng, đồ gỗ nói chung, dù chất lượng gỗ được chọn loại tốt, được xử lý kỹ trước khi chế tác, được che phủ, bảo vệ bởi các lớp sơn, lớp keo tốt, được chế tác bởi những người thợ nhiều kinh nghiệm, tay nghề, kỹ thuật cao bao nhiêu đi nữa thì cũng không thể tránh khỏi những tác động của yếu tố môi trường bên ngoài. Đó là những tác động tất yếu, khách quan, nhất là ở nước ta – nơi có khí hậu nhiệt đới, nắng ẩm mưa nhiều thì sự tác động này lại càng rõ rệt.

Với sự hiểu biết qua nhiều năm làm nghề truyền thống, trong bài viết này, Đồ thờ Hải Mạnh xin chia sẻ một số kinh nghiệm để hạn chế sự tác động của môi trường, bảo quản tốt hơn các sản phầm đồ thờ bằng gỗ trong mùa hè nắng nóng.

Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến sản phẩm đồ thờ bằng gỗ như thế nào?

Mùa hè, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, lại thay đổi đột ngột do mưa nắng thất thường dẫn đến sự ảnh hưởng không nhỏ đến mọi vật, nhất là đồ gỗ, đặc biệt là đồ thờ. Các sản phẩm đồ thờ thường được làm từ các loại gỗ tự nhiên nên luôn có một lượng nước bên trong thớ gỗ. Trong điều kiện môi trường như trên, chúng dễ dẫn đến sự co rút nhanh ở mặt gỗ có thể làm mặt gỗ bị xé ra, nứt hoặc cong vênh, ảnh hưởng kết cấu, độ bền, tính vững trãi của sản phẩm. Bên cạnh đó, các tia nắng mặt trời có thể làm bạc màu lớp sơn phủ, màu của gỗ cũng sẽ bị thay đổi dưới tác động của ánh sáng mặt trời, làm mất đi cả thẩm mỹ, vẻ đẹp vốn có trong không gian có vị trí quan trọng bậc nhất của người Việt này.

Làm thế nào để hạn chế tác động của thời tiết nắng nóng đối với các sản phẩm đồ thờ bằng gỗ?

* Tránh nắng nóng cho đồ gỗ

Cần giảm thiểu tối đa ánh sáng trực tiếp vì gỗ sẽ bị nở, cong vênh, mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến chất lượng bên trong. Nên sử dụng các loại rèm cửa, phim cách nhiệt có khả năng cản sáng, cản nắng trực tiếp; bố trí, sắp xếp không gian thờ tự vào các vị trí thích hợp, tránh hướng nắng trực tiếp, tránh để gần các nguồn sinh nhiệt. Điều này sẽ giúp đồ gỗ không bị phai màu mà còn bảo vệ được kết cấu bên trong của sản phẩm.

Bên cạnh đó, cách bảo vệ mang tính lâu dài, bền vững không chỉ đối với các sản phẩm đồ thờ, mà còn cả với toàn bộ ngôi nhà cũng như môi trường sống là tăng cường cây xanh xung quanh nhà (với những nhà có điều kiện diện tích), cây xanh tronh nhà (với nhà phố, chung cư).

* Lau dọn thường xuyên

Với quan niệm sống “hướng về tự nhiên, hòa nhập với tự nhiên” nên kết cấu ngôi nhà của người Việt thường hướng ngoại, có rất nhiều cửa để đón gió, đón sáng. Điều này, bên cạnh rất nhiều yếu tố tích cực thì đối với các đồ vật trong nhà nói chung, không gian thờ cúng nói riêng rất dễ nhanh bám bụi, đòi hỏi gia chủ phải lau dọn thường xuyên. Tuy nhiên, một thói quen không tốt khi lau chùi của rất nhiều người là dùng khăn ướt, bất luận là đồ gỗ, da hay kim loại. Khi dùng khăn ướt, đồ vật tuy trông sạch sẽ nhưng theo thời gian, chúng sẽ dần mất đi màu sắc ban đầu. Vì vậy, lau dọn không gian thờ cúng, nhất là đối với các sản phẩm bằng gỗ, không nên sử dụng khăn ướt mà chỉ sử dụng khăn mềm ẩm lau khô.

* Bảo dưỡng định kỳ

 

Trên bề mặt đồ gỗ nói chung, đồ thờ nói riêng thường được phủ một lớp sơn có tác dụng bảo vệ rất quan trọng. Nếu lớp sơn này bị bong tróc thì không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến cả kết cấu bên trong sản phẩm. Vì vậy, cần phải tiến hành bảo dưỡng định kỳ.

Một trong những cách bảo dưỡng tốt nhất là đánh sáp khoảng 3 tháng một lần. Cách làm này sẽ khiến đồ gỗ luôn bóng đẹp, khó bám bụi và dễ dàng lau chùi. Khi lựa chọn sáp đánh bóng đồ gỗ, lưu ý chọn sản phẩm có xuất xứ đảm bảo, tránh dùng những sản phẩm chứa thành phần hóa học có tính bào mòn. Nếu có vết bẩn trên bề mặt, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm tẩy rửa chứa cồn hoặc dung môi có khả năng bào mòn vật chất. Thay vào đó, dùng nước trà ấm cọ rửa nhẹ nhàng, vết bẩn sẽ được xóa sạch.

* Cách xử lý một số lỗi thường gặp

- Xử lý vết nóng rộp trên đồ gỗ

Khi đồ thờ, nhất là ban thờ, án gian, tủ thờ, sập thờ thường được phủ một lớp sơn bảo vệ bên ngoài. Lớp sơn này khi tiếp xúc với vật có nhiệt độ cao như bát, cốc nóng sẽ thường để lại dấu. Những vết này có thể lau đi được với một chiếc khăn vải thấm dầu hỏa. Nhưng nếu vết nóng khá lớn, khá nặng, ta có thể sử dụng amoniac bằng cách tẩm amoniac vào khăn vải, chà lên vết bỏng của đồ gỗ rồi lấy nến bôi lên. Vết bỏng sẽ biến mất. Một cách tốn thời gian hơn là quét dầu va-dơ-lin lên vết nóng, để vài ngày và lau sạch, vết nóng cũng sẽ biến mất.

- Xử lý vết nứt

Do nhiều yếu tố tác động không mong muốn, đồ gỗ cũng như đồ thờ sẽ bị nứt. Điều này có thể được khắc phục theo cách sau: lấy vải bông cũ hoặc tải gai rách, đốt thành tro, trộn với dầu trẩu sông thành dạng hồ đặc, nhét vào trong vết nứt, rồi đem phơi khô (hoặc dung máy sấy để sấy khô). Sau khi khô, vết nứt sẽ rất chắc và kín. Ta cũng có thể lấy giấy báo xé thành những mảnh vụn, trộn vào một ít phèn chua và nước sạch, đun thành dạng hồ đặc; đợi hồ nguội, đem nhét vào những chỗ nứt, phơi khô (hoặc sấy khô). Tuy nhiên, cách này chỉ sử dụng cho những vật đựng đồ khô, ít tiếp xúc với nước.

- Xoá các vết cháy, vết xước trên bề mặt sơn

Đối với các vết cháy do tàn lửa từ hương, nến,… có thể được khắc phục dễ dàng khi bạn lau vết cháy bằng khăn ẩm, quét lên một lớp sáp nến. Sau một thời gian ngắn, vết cháy sẽ bị lấy đi.

Đối với các vết xước (nhưng chưa ảnh hưởng đến lớp gỗ bên trong), ta có thể dùng bút nến có màu cùng với màu mặt sơn bôi lên bề mặt đồ gỗ để lấp đi màu gỗ bên dưới, sau đó dùng sơn móng tay không màu quét lên một lớp là được./.

Pinterest