
LỄ VU LAN Ở MỘT SỐ NƯỚC CHÂU Á
LỄ VU LAN Ở MỘT SỐ NƯỚC CHÂU Á
Ngày lễ Vu Lan hay còn gọi là lễ báo hiếu thường tổ chức vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Mỗi quốc gia trên thế giới lại đón ngày này với những nét đặc trưng độc đáo.
Việt Nam
Ở Việt Nam, ngày Lễ Vu Lan được tổ chức vào ngày rằm tháng 7 hàng năm, là ngày báo hiếu nhắc nhở các thế hệ con cháu tưởng nhớ tới công sinh thành dưỡng dục cha mẹ, tổ tiên.
Cũng như nhiều quốc gia châu Á khác, vào ngày này, hàng nghìn người tập trung về các khu đền chùa để tụng kinh cầu nguyện, mong cho các linh hồn sớm siêu thoát.
Ngoài ra, một trong những hoạt động không thể thiếu trong ngày đại lễ này là tổ chức hoạt động “bông hồng cài áo”, nhắc nhở con cháu trân trọng hiếu thảo với đấng sinh thành. Mỗi màu hoa được cài lên áo tượng trưng cho việc cha mẹ còn sống hay đã khuất, hướng con cháu nhớ về cội nguồn và biết ơn bằng cách thể hiện nhiều hành động cao đẹp.
Trong đêm Vu Lan, các Phật tử ở Việt Nam và nhiều người dân cũng tổ chức thả hoa đăng để soi sáng cho các linh hồn biết tìm đường về thế giới bên kia.
Tại Việt Nam, việc cúng Rằm tháng Bảy bao giờ cũng phải cúng ở chùa (thờ Phật) trước, rồi mới đến cúng tại gia. Lễ này thường được làm vào ban ngày,. Ngoài ra, theo truyền thống tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong dân gian, ngày này là ngày "Xá tội vong nhân" nên nhiều nhà có mâm cơm cúng trước nhà, để cúng những vong linh bơ vơ không gia đình, còn gọi theo dân gian là "cúng cô hồn, "cúng thí thực" (tặng thức ăn).
Vào ngày này, mọi gia đình đều cúng hai mâm: cúng tổ tiên tại bàn thờ tổ tiên và cúng chúng sinh (cúng thí thực hay cúng cô hồn) ở sân trước nhà hoặc trên vỉa hè (nếu đường rộng), thời gian cúng có thể là vào buổi sáng, trưa hoặc chiều, tránh làm vào ban đêm.
Trên mâm cúng tổ tiên, gia đình bày đặt một mâm cỗ mặn, tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi Âm tức đồ mã làm bằng giấy có tính tượng trưng nhưng hình dạng giống như đồ thật như quần áo, giày dép, áo bào, cung điện, ngựa, các vật dụng trang sức, mũ kepi, người giúp việc... đến những vật hiện đại: nhà cao tầng, xe ô tô, xe máy, điện thoại... để cho người cõi Âm có được một cuộc sống tiện nghi giống như người Dương trần.
Trên mâm cúng chúng sinh thì lễ vật gồm có: quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc, các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, cháo, tiền vàng, cốc nước lã hoặc rượu (có thể thêm nước ngọt, bia nếu có điều kiện), cốc gạo trộn lẫn với muối (cốc này sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong), ngô, khoai lang luộc, cháo hoa... và những lễ vật khác dành cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa.
Tại các chùa và hội đoàn Việt Nam, vào ngày lễ Vu Lan thường có nghi thức "Bông hồng cài áo", là cài bông hồng cho những ai còn mẹ và bông trắng cho những ai mất mẹ, nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình người.
Vào "tháng cô hồn", người Việt Nam theo phong tục tin là tháng không may mắn và có những điều kiêng kỵ như không mua sắm, không đi chơi đêm, không nhổ lông chân, không phơi quần áo, không bơi lội… và tùy vùng còn có thêm những kiêng kỵ khác như không khai trương, mở cửa hàng, lập gia đình, xây nhà,... Nhiều người còn kiêng cữ và ăn chay trong tháng 7.
Trung Quốc
Trong văn hóa Trung Hoa, ngày rằm tháng bảy âm lịch thuộc Tiết Trung Nguyên và được gọi là Ngày ma (hồn người chết) và tháng thứ bảy nói chung được coi là Tháng ma (鬼月, Quỷ nguyệt), trong đó những con ma và linh hồn, bao gồm cả của tổ tiên đã qua đời, đến từ các cõi âm. Cùng với lễ Thanh minh (vào mùa xuân) và Trùng cửu (vào mùa thu), con cháu còn sống tỏ lòng tôn kính đối với tổ tiên đã qua đời của họ, trong Lễ hội hồn ma, người chết được cho là về thăm những người sống.
Ngày lễ Vu Lan ở Trung Quốc thường được tổ chức từ ngày 15/7 đến 30/7 âm lịch. Trong ngày này, người ta sẽ đi viếng phần mộ người thân đã quá cố, sửa sang quét dọn lăng mộ, cúng thực phẩm và giấy tiền, đốt vàng mã.
Tại các đền chùa, chư tăng thường tổ chức các buổi cầu nguyện cho người quá cố. Các khóa lễ đặc biệt tổ chức trong chùa suốt mùa Vu Lan. Cũng trong dịp này, người ta thường hướng tới điều thiện để hồi hướng công đức cho cha mẹ và người thân của mình.
Nhật Bản
Tại Nhật Bản, ngày lễ này được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 dương lịch, gọi là Obon (お盆) hay là Bon (盆), nói tắt của chữ urabon'e hay Vu Lan Bồn Hội (盂蘭盆會), thường kéo dài 3 ngày, mang ý nghĩa chào đón sự ghé thăm của linh hồn tổ tiên đã khuất cũng là dịp để con cháu thể hiện lòng biết ơn. Vào ngày này, các thành viên trong gia đình có dịp sum họp, thể hiện tình yêu thương của mình với nhau.
Ngày lễ Obon sẽ có lễ dâng lửa linh thiêng và thưởng thức điệu múa Odori. Điệu múa này hiện nay được phát triển thành nhiều phong cách khác nhau, phù hợp với nhạc nền từng vùng miền, nhưng có chung truyền thống là các vũ công nhảy múa quanh một giàn gỗ gọi là Yakura.
Trong khi đó, lễ dâng lửa gồm 5 đám lửa lớn theo 5 chữ, đốt lần lượt ở 5 ngọn núi xung quanh Kyoto. Mỗi chữ sẽ phát sáng chừng 30 phút, tạo nên khung cảnh linh thiêng và ấm áp. Người Nhật tin rằng, nhờ ánh sáng này sẽ dẫn đường chỉ lối cho các linh hồn quay về trời an lạc.
Kết thúc lễ hội Obon, người Nhật sẽ thả hoa đăng trên mặt nước, còn gọi là nghi thức Togo Nagashi, thay lời chạo tạm biệt các linh hồn tổ tiên để họ trở về thế giới riêng, sau chuyến thăm con cháu.
Đài Loan
Vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, người Đài Loan luôn giữ truyền thống lâu đời đó là thả đèn hoa đăng để soi sáng linh hồn những người đã khuất. Người Đài Loan quan niệm rằng, đèn trôi càng xa, gia chủ càng gặp nhiều tài lộc.
Ngoài ra, họ còn tổ chức những đám rước ma quỷ với quy mô lớn ở nhiều thành phố. Đám rước có các cỗ xe chở hình nộm và múa lân. Mỗi gia đình còn chuẩn bị mâm cúng cho các cô hồn tại miếu thờ. Mâm cúng gồm hoa quả, thịt, hoa tươi, và nhiều loại thực phẩm khác. Họ cũng mời các nhà sư tới cầu nguyện để gia đình được yên lành quanh năm.
Malaysia
Tại Malaysia, đại lễ Vu Lan còn gọi là ngày tổ tiên hay lễ hội tháng 7. Ngoài những việc thể hiện tinh thần hiếu đạo như thăm viếng mộ người thân, tảo mộ, dâng cúng vật phẩm, người Malaysia còn tổ chức hiều hoạt động văn hóa, tôn giáo mang màu sắc riêng.
Theo phong tục của Malaysia, trong ngày lễ Vu Lan, người dân đều dừng các công việc để lên chùa tham gia vào nghi thức siêu độ vong linh, cầu nguyện cho những người thân đã mất sớm siêu thoát tới miền cực lạc.
Bên cạnh đó, vào ngày Vu Lan, Phật tử người Malaysia còn tổ chức các hội diễn văn nghệ quần chúng tại các khu dân cư, có sự tham gia nhiệt tình của các ca sĩ, vũ công, người diễn kịch,… Tất cả chi phí cho việc tổ chức văn nghệ và các hoạt động của lễ hội trong ngày lễ Vu Lan đều do quần chúng Phật tử tự nguyện đóng góp.
Hàn Quốc
Truyền thống về ngày cha mẹ được người Hàn Quốc giáo dục rất tốt cho các thế hệ tương lai, thậm chí là ngay cả các em nhỏ còn đang học mẫu giáo. Trước “Ngày cha mẹ” các em sẽ được thầy cô giáo dạy cách làm bưu thiếp trong đó ghi những lời chúc ngây thơ và ngộ nghĩnh nhất thể hiện tình cảm của mình giành cho cha mẹ. Hoặc các em cũng có thể tự làm các món quà dễ thương để tặng cha mẹ mình nhân ngày này như chỉ đơn giản là gói bọc những chiếc kẹo ngọt ngào theo cách riêng của mình.
Còn đối với những người con đã trưởng thành và lập nghiệp thì thường mua tặng cha mẹ những món quà mang tính thiết thực trong cuộc sống hàng ngày hoặc món quà tốt cho sức khoẻ. Tuỳ vào từng người và từng hoàn cảnh kinh tế mà có rất nhiều cách để thể hiện sự hiếu thỏa của con cái đối với cho mẹ nhưng một bông hoa hay lẵng hoa cẩm chướng là không bao giờ thiếu.