LỊCH SỬ HÌNH THÀNH NGAI THỜ

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH NGAI THỜ

Thưởng Nguyễn
17/07/2018

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH NGAI THỜ

Ngai thờ là một hiện vật tạo thế uy nghi cho thần hoặc thánh. Cho đến nay, chưa tìm được một chiếc ngai thờ nào mang niên đại trước thế kỷ XVI. Có thể xếp chiếc ngai được làm bằng đá ở chùa Nhân Trai thuộc Kiến An (Hải Phòng) là có niên đại sớm nhất trong sự hiểu biết của chúng ta về loại hình này. Trên ngai đặt tượng bằng đá của các nhân thần thuộc dòng nhà Mạc.

Sự ra đời của Ngai thờ

Cuối thế kỷ XX, chúng ta mới chỉ tìm được ở đền Hậu, Đông Kết (Châu Giang – Hưng Yên) hai chiếc ngai gỗ tương tự.Tuy bề rộng của ngai gỗ có lớn hơn ngai đá nhưng nét chung cơ bản thì không thay đổi. Trên cùng là một tay ngai tròn ôm lấy lưng rồi chạy ra hai bên phía trước, tay ngai như thân của đôi rồng, đầu tay ngai thờ được chạm hai đầu rồng trong tư thế quay chéo vào để chầu vị thần hay bài vị đặt trên ngai. Thân ngai thường bao gồm hai trụ chính đỡ cổ tay ngai, một số trụ phụ ở hai bên. Lưng ngai là mảnh ván hơi cong ra phía sau, mặt ván lưng được bổ ô cân đối, với những đề tài trang trí như rồng, linh thú và hoa thiêng cùng vân xoắn. Phần dưới bệ ngai thờ được chia nhiều cấp nhô ra thụt vào với các đường diềm phang hoặc cong vỏ măng… trên đó trang trí những cánh sen vuông, rồng, lân, hoa cúc và nhiều biểu tượng khác. Bốn chân ngai thờ thường dưới dạng chân quỳ.

Ngai thờ thời Mạc đã hội tụ ở trên thân nó nhiều đề tài điển hình của nghệ thuật Mạc, trong đó nổi lên là hình tượng con rồng với những đao mảnh, dài lượn nhẹ đè lên trên thân… hình thức này hầu như không có ở các giai đoạn khác. Đặc điểm nổi bật của tạo hình trên ngai còn ở nghệ thuật chạm, dù theo hình thức lộng, bong kênh, nổi, chìm… nhưng đều khá rành mạch và khúc triết. Vào đầu thế kỷ thứ XVII, hình thức ngai thờ mang phong cách của thời Mạc vẫn được duy trì, như ở đền Chử Đồng Tỏ thuộc Khoái Châu (Hưng Yên) hay ở một vài nơi khác. Chúng ta đã gặp được rất nhiều ngai thờ có giá trị nghệ thuật cao, là sản phẩm của nửa cuối thế kỷ XVII. Tuy vẫn bố cục như ngai thời Mạc song hầu như không còn hiện tượng rồng ở đầu tay ngai quay chầu vào thần nữa, mà chủ yếu nhìn thẳng ra phía trước. Ngai của thế kỷ XVII được chạm trổ rất kỹ, thậm chí cho cảm giác như đồ khảm, với những con rồng mang đao mác, những con lân và nhiều hoa lá thiêng. Có thể nói đây là những ngai khá điển hình của nghệ thuật tạo hình cổ truyền Việt, Hình thức trang trí có xu hướng đề cao một cách tuyệt đối uy lực của ông vua tinh thần đương thời… Thế kỷ XVIII có lẽ vì những lý do lịch sử và xã hội (như kinh tế của cộng đồng làng xã eo hẹp, do nạn kiêm tính ruộng đất của địa chủ… chẳng hạn) mà chạm trổ trên ngai thờ có phần giảm sút, tinh thần nghệ thuật ít được quan tâm hơn khiến cho ngai bị hạn chế bớt những đường diềm trang trí cầu kỳ. Một minh chứng cụ thể về niên đại là người ta đâ tìm được nhiều con rồng ở lưng ngai thờ vừa mang đao mác, vừa mang đao đuôi nheo. Thời Nguyễn thì hầu như mọi di tích liên quan đến thánh thần thường có ngai, nhưng phần nào chỉ giữ lại được bố cục chung, còn phần trang trí trở nên kém vui, những linh vật và hoa cỏ không được trau chuốt mềm mại như trước, ở nhiều ngai thờ những hình tượng này đôi khi có nét gai góc.

Một dạng ngai thờ khác được gọi là ngài bành, chúng thường có ở các làng trù phú với nhiều nghề phụ, đặc biệt là vị thần ở làng đó nhiều khi gắn với những sự tích riêng. Ngai bành thực chất để đề cao vị thần và như một biểu hiện làm vinh quang làng xóm. Những ngai này luôn được đặt trên kiệu bát cống để rước trong các ngày hội. Chúng ta có thể gặp được chiếc ngai có niên đại vào thế kỷ XVII như ở đền Vua Đinh (Hoa Lư), ở chùa Thái Lạc (Mỹ Văn – Hải Hưng) và ở các thời sau như ở đình Hạ – xã Tự Nhiên (Thường Tín – Hà Tây) … Dáng của những ngai này thấp, lưng và tay ngai chủ yếu được làm bằng ván, ván lưng hơi ngả ra phía sau, đỉnh ván dạng hình đường biên lá sòi, tay ngai kết bởi nhiều cung tròn . thấp dần về phía trước. Thông thường hai mặt tay ngai thờ chạm rồng chạy ra, lưng ngai phía trên cũng là rồng, phía dưới có khi là lân và ở chính giữa bên dưới thường có ngọn tam sơn mọc lên từ nước… Suy cho cùng đó là một biểu hiện về ý thức cầu phúc, một gạch nối giữa trời cha và đất mẹ thông qua siêu lực của vị thần. Ngai bành từ thời Lê trung hưng, Lê mạt cho tới tận thế kỷ XIX đều được chạm trổ rất kỹ, ít có sự phân biệt như những ngai thông thường khác, có lẽ bản thân nó đã thích ứng với nhu cầu cao về tín ngưỡng của cộng đồng làng xã. Ngai bành không chỉ có một dạng, mà còn có dạng khác với lưng thẳng bổ nhiều ô trang trí cân xứng, có khi đỉnh của ván lưng chạm đôi rồng chạy ra, kết hình theo kiểu ở giá chiêng giá trông…

Để xác định niên đại của những chiếc ngai thờ này hiện nay khó có thể dựa vào kiểu dáng, mà chủ yếu dựa vào đề tài trang trí là chính. Một loại hình gần gũi với ngai là ghế thờ. Dấu vết của chiếc ghế thờ sớm nhất nước ta hiện nay là ở chùa Thầy, theo như chiếc lưng ghế còn lại, thì niên đại cụ thể của nó vào năm 1346. Tuy nhiên, chỉ có thể tin rằng hiện vật gỗ còn lại này được coi là sớm nhất và có giá trị nghệ thuật ở nước ta. ở chùa Thầy cũng còn hai chiếc ghế tương ứng khá cao, xấp xỉ tới lm, dưới dạng vuông có chân quỳ, trang trí trên ghế lại gần gũi với nghệ thuật của cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Vì thế nhiều người cho rằng nó được làm theo mẫu của chiếc ghế đã hỏng từ thời Trần, để hợp cùng chiếc lưng ghế kể trên mà thành một ghế thờ hoàn chỉnh (tới nay chiếc lưng ghế này đã bị tháo ra và cất trong khám thờ của Từ Đạo Hạnh). Bố cục của lưng ghế có dáng chung hình lá đề với nền là những tia chạy từ gốc ra mép lá. Trung tâm mặt lá để là hai hình chiếc sừng nhỏ bắt chéo, ở các khe của sừng có các hạt tròn nổi đang trong thế vận động. Bao hai bên hình sừng là hai nhành lá ôm lấy hai lưỡi phủ việt, tất cả bố cục này đặt trên sóng nước và một đường gờ nổi… Hình tượng trên đã khiến cho một số nhà nghiên cứu liên hệ tới thực tế lịch sử, trong điều kiện Nho giáo và nhà Nho đang có xu hướng phát triển, mà ngỡ đọc được ở đó ít nhiều yếu tố liên quan tới Dịch học. Rằng: hai chiếc sừng tượng cho lưỡng nghi trong thể đối đãi mà nảy ra các sản phẩm là các hạt, trên nền của Ngũ hành, có thể coi đôi phủ việt là Kim, nhành cây là Mộc, sóng là Thủy, những tia của lá đề là Hỏa, và đường gờ nổi phía dưới là Thổ…

Loại ghế thờ kiểu trên chỉ còn tìm thấy được ở các chùa Tứ Pháp (chùa Dâu – Thuận Thành – Bắc Ninh). Các ghế này mang niên đại thế kỷ XVI. Lưng ghế được chia làm hai phần, phần trên làm dưới dạng hình lá để, thường ghép bằng hai mảnh gỗ. Lòng lá chạm một rồng ổ trong tư thế đầu ngóc lên phía trên, thân uốn lượn nhiều khúc và phần nào chịu ảnh hưởng nghệ thuật thời Lê sơ với chi tiết thân xoắn vỏ đỗ để luôn luôn sống lưng được quay lên phía trên. Nền rồng được điểm xuyết “mây cụm lá sòi có đuôi” và các cụm vân xoắn. Phần dưới của lưng ghế (độ cao ngang tay ghế) chủ yếu chạm hoa cúc cách điệu. Đây là những hoa có bố cục rất chặt chẽ và lần đầu tiên có hiện tượng gập mép cánh hoa để che một phần khác của hoa. Hiện tượng này hầu như không có trong nghệ thuật trước đó và cũng không phổ biến ở nghệ thuật thời sau. Khi sinh thời GS. Từ Chi có nhận xét: những hoa này đã vượt ra ngoài tư duy nông dân thuần khiết để ít nhiều có yếu tổ khúc triết thương mại. Tay ghế được nối từ hai đỉnh chân sau chạy thẳng ra tì lên hai đầu của hai đỉnh chân trước, rồi vươn ra dưới hình chạm đầu rồng hoặc đầu phượng. Hai bên của tay ngai thờ được bổ trụ chấn song con tiện. Từ mặt ngồi trở xuống được chia hai phần không cân xứng, phần trên được bưng ván trổ thủng vái hình hoa cúc hoặc vân xoắn một cách cân đối (ít có ở những thời khác), phần dưới bỏ trống và chỉ được lắp then ngang liên kết. Nhìn chung ghế thờ ở chùa Tứ Pháp về bố cục cũng không khác ghế thờ chùa Thầy, song chỉ có trang trí là thay đổi và độ cao mặt ngồi thấp hơn nhiều. Có lẽ những chiếc ghế thờ này phần nào gần gũi với những ghế của thế tục, từ thế kỷ thứ XVII hầu như không thấy chúng xuất hiện nữa.

MỘT SỐ MẪU NGAI THỜ TẠI ĐỒ THỜ HẢI MẠNH

 

 

Pinterest