​Thần Tài, Ông Địa là ai?

​Thần Tài, Ông Địa là ai?

Mien Cao
08/04/2018

Thần Tài, Ông Địa là ai?

Thờ cúng Thần Tài, Ông Địa là tín ngưỡng lâu đời của người Việt với mong muốn công việc làm ăn phát đạt, mọi điều suôn sẻ, nhất là với những người làm nghề buôn bán.
Thần Tài, Ông Địa là 2 vị thần đại diện cho 10 vị thần trong đó Thần Tài đại diện cho: Hắc Thần Tài, Xích Thần Tài, Thanh Thần Tài, Bạch Thần Tài và cao nhất là Hoàng Thần Tài. Còn Ông Địa là đại diện cho 5 vị thần gồm: Đông phương Thanh Đế, Nam phương Xích Đế, Tây phương Bạch Đế, Bắc phương Hắc Đế và Trung ương Huỳnh Đế.
Có nhiều sự tích khác nhau về Thần Tài. Theo truyền thuyết, Thần Tài là Triệu Công Minh, người đời nhà Tần. Ông lánh đời đi tu tại núi Chung Nam, về sau đắc đạo, được phong hàm Chính Nhất Huyền Đàn nguyên soái, coi việc đuổi trừ ôn dịch, cứu bệnh trừ tà. Hơn nữa, ai bị oan ức đến cầu cứu ông đều được ông giúp đỡ. Người buôn bán cầu cúng ông để được phát đạt, may mắn. Ông được thể hiện là một người mặt đen, râu rậm, tay cầm roi, cưỡi cọp đen.


Cũng có tích cho rằng Thần Tài là một cô gái tên là Như Nguyệt. Ngày xưa, có một lái buôn tên là Âu Minh, khi đi thuyền qua hồ Thanh Thảo, được Thủy Thần tặng cho một cô hầu gái tên là Như Nguyệt. Âu Minh đưa Như Nguyệt về nuôi trong nhà, từ đó càng ngày càng phát đạt. Một hôm, vào Tết Nguyên đán, vì tức giận, Âu Minh đã đánh và làm Như Nguyệt sợ hãi, chui vào đống rác trốn mất. Kể từ đó, việc buôn bán của Âu Minh sa sút, chẳng bao lâu thì sạt nghiệp, trở nên nghèo khổ. Theo sự tích này, người ta có tục kiêng quét rác và hốt rác trong ba ngày Tết, sợ Thần tài không có chỗ ẩn trốn mà đi nơi khác thì việc làm ăn trong năm sẽ bị xui xẻo, thất bại. Việc lập bàn thờ Thần Tài sát nền đất hay nền gạch, không đặt cao như các bàn thờ khác, và đặt ở góc nhà hay nơi hàng hiên cũng từ tích này mà ra.
Lại có tích nói rằng Thần Tài nguyên là Bố Đại La Hán, còn gọi là Nhân Yết Đà Tôn Giả ở Ấn Độ (là một trong thập bát La Hán). Ông là người chuyên bắt rắn, ông mang túi vải to trên lưng vào rừng bắt rắn độc, nhổ bỏ răng độc rồi thả rắn đi. Do đó có tượng Thần Tài đứng có mang túi to, hai tay đưa thẳng lên trời cười thoải mái, tượng trưng cho sự may mắn, thành công.
Cùng với các sự tích về Thần Tài, người Việt luôn quan niệm “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá", sống ở đâu thì có Thổ Công, Thổ Địa ở đó, mỗi khi làm việc có đụng chạm đến đất đai, người Việt đều phải cúng vị thần này. Mặt khác, nông nghiệp vẫn chiếm vai trò quan trọng nên đất đai cùng các loại nông phẩm từ đất sinh ra là thứ của cải, tài sản chủ yếu nên thần Thổ Địa cũng được người Việt coi là Thần Tài. Thần Tài và Ông Địa luôn được thờ chung một cặp, không tách rời nhau.
Ngày nay, trong tín ngưỡng thờ cúng, người ta hình tượng hóa Ông Địa một người mập mạp, bụng to, ngực lớn, miệng cười hể hả, tay cầm quạt, trông có vẻ phương phi, hào sảng và mang đầy chất phong thịnh, có chút hơi hài hước. Đi theo Ông Địa thường là chúa Sơn Lâm. Còn Thần Tài tay cầm kim ngân lượng (vàng), bạc, đầu đội mũ mão, trang phục nghiêm chỉnh./.

Pinterest