Tìm hiểu về Trống thờ
Tìm hiểu về Trống thờ
Trống thờ là vật thiêng liêng, được thần hóa, là một biểu tượng của hạnh phúc và quyền uy.
Trống thờ cấu tạo gồm thân trống và mặt trống. Thân trống do các tang trống bằng gỗ ghép lại, sơn màu đỏ mận, làm nền cho những hình trang trí mây cuộn và rồng được vẽ bằng nhũ vàng, biểu hiện cho bầu trời sinh khí.
Mặt trống được viền xung quanh mép bằng hàng hóa văn chữ S nằm ngang nối nhau, được coi là hình tượng của chớp. Trung tâm là hình tròn “lưỡng nghi”. Khi tiếng trống rung lên, là lưỡng nghi đối đãi, trời đất vần xoay, đồng thời người ta coi như đó là tiếng sấm gọi mưa gọi mùa để cho muôn loài sinh sôi theo quy luật thường hằng của tạo hóa, là lời cầu phúc tới muôn nhà, làm náo nức lòng người.
Trống có hai loại là trống đại và trống tiểu.
Trống đại là trống lớn, được đánh vào những lúc như trước khi đánh chuông u vào đầu hôm và cuối đêm (cách đánh theo thể thức bài tam luân cửu chuyển), khi thuyết pháp (đánh ba hồi), khi làm lễ lớn ở điện Phật như thỉnh Tam bảo, khai kinh, cúng ngọ... (đánh theo thể thức bài Bát Nhã hội).
Trống tiểu là trống nhỏ, dùng đánh trong những lúc tụng kinh bài sám và các trai đàn lớn... nên còn gọi là trống kinh. Cách đánh trống này rất phức tạp, không có một quy luật thống nhất, chỉ đánh theo nhịp và âm vận trầm bổng của các bài kinh, sám, tán tụng.
Ở các ngôi đình, đền, gắn với việc rước kiệu còn có chiếc trống khẩu (trống lệnh), là loại trống nhỏ, dày độ 7, 8 cm, mặt rộng khoảng từ 20-30cm, có gắn chiếc cán để cầm. Trống này được điểm để chỉ huy quân kiệu, tạo nên thế trang nghiêm trật tự./.