
THỜ CÚNG TỔ TIÊN TRONG GIA ĐÌNH NGƯỜI VIỆT
Thờ cúng tổ tiên là phong tục truyền thống của dân tộc, là phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân đất Việt, vừa để xác lập "mối liên hệ" giữa người sống với người chết, giữa người hiện tại và người đã khuất, vừa thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của người Việt Nam.
Thờ cúng tổ tiên có nhiều hình thức và cấp độ khác nhau. Trong khuôn khổ bài viết này, Đồ thờ Hải Mạnh chỉ xin đề cập đến tín ngưỡng này ở gia đình.
Trong mỗi gia đình đều thiết lập bàn thờ tổ tiên, là điều bắt buộc phải làm dù hoàn cảnh khó khăn đến mấy nên có khi bàn thờ chỉ là một tấm ván gác đậu trên bờ vách, là không gian thiêng liêng để các thành viên gia đình gửi gắm lòng tưởng nhớ, biết ơn tiên tổ. Bàn thờ là nơi tiên tổ “đi”, “về” và ngự ở trên đó. Bàn thờ tổ tiên được lập cố định ở nơi trang trọng nhất.
Việc bài trí trên ban thờ gia tiên không hoàn toàn giống nhau mà phụ thuộc vào quan niệm tâm linh và điều kiện kinh tế của gia chủ, nhưng nhìn chung, ban thờ gia tiên thường được chia thành 2 lớp, lớp trong và lớp ngoài, giữa 2 lớp được ngăn bằng một bức y môn bằng vải che rủ. Ngày thường, y môn được vén lên, chỉ khi nào có lễ, sau khi con cháu thắp hương khấn mời thì y môn mới được buông rủ xuống để tổ tiên hưởng lễ một cách tự nhiên, không ai nhìn ngó, quấy nhiễu.
Thông thường, ngoài cùng là chiếc phản để mọi người làm lễ. Không đặt phản thì để trống nền nhà, khi cần thiết có thể bày bàn ghế hay trải chiếu.
Tiếp đó là hương án - là nơi khi cũng bái, người Việt mời các vị thần trong gia đình về ngự. Thông thường có các vị thần: Long quân chúa mạch, Nhị vị thần môn, Đông trù tư mệnh, Táo phủ thần quân.
Trên hương án đặt bộ đồ thờ. Bộ đồ thờ của những gia đình bình dân thường đơn giản, thường là bộ tam sự, gồm bát hương ở giữa, hai bên là hai cây đèn, nến. Theo thuyết âm dương ngũ hành thì bát hương thể hiện hành thổ nên ở giữa (trung tâm), hai cây đèn nến thể hiện hành hỏa. Nén hương đốt lên có cả ba yếu tố: hỏa (phần đang cháy), mộc (phần thân hương) và thổ (phần chân hương cắm trong bát hương). Mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, sự chuyển hóa thể hiện ước vọng sinh sôi, phát triển. Nếu theo Đạo giáo thì bát hương tròn tượng trưng cho Bàn Thái cực, hương được thắp lên tượng trưng cho các vì tinh tú. Hai cây đèn tượng trưng cho Nhật, Nguyệt quang minh. Những gia đình khá giả, đồ thờ phụng là bộ ngũ sự hay thất sự. Bộ ngũ sự gồm bát hương, hai cây đèn nến, hai ống đựng hương, hoa, mâm bồng ngũ quả, cái kỷ hay còn gọi là tam sơn (gồm bộ đài ba chiếc: giữa đặt chén rượu, hai bên, một bên để đĩa trầu cau, một bên để bát nước). Rượu và nước mang tính âm, hành thủy. Khi thắp hương, đèn nến cúng vái, âm dương hòa hợp, mọi việc tốt lành. Lọ độc bình thường để cắm hoa. Cành hoa hành mộc, cắm vào nước (thủy sinh mộc) ý nghĩa là khai hoa, tươi tốt quanh năm. Mâm bồng để đựng hoa quả, có hoa, có quả thể hiện ước vọng thịnh đạt. Bộ thất sự (bộ bảy) thêm lọ độc bình và hai con hạc đứng trên hai con rùa.
Lớp trong, bên trái bàn thờ gia tiên là một cái khám sơn son, kín 3 mặt (tả, hữu và mặt sau), mặt trước là cửa sổ nhỏ có thể khép mở, trong cùng là bài vị của vị tổ khai sáng ra dòng họ. Vị này đã được thờ ở các nhà thờ họ, nhưng các gia đình đều có thờ riêng. Bài vị khắc chữ chỉ tôn hiệu thế thứ, không ghi tên ai cả. Những gia đình không thờ tổ tiên thì dành phần này để thờ các vị thần mà gia chủ nhận là thần bảo hộ cho nhà mình như ngũ đại tổ cô, tam đại tổ cô... Trường hợp ấy, cái khám này được gọi là tịnh.
Sát với khám (tịnh), chính giữa là ngai hoặc ỷ, tượng trưng cho ông vải. Ngai được sơn son thếp vàng, hai tay ngai có hình đầu rồng, đầu ngai nhô lên hình tròn như mặt nguyệt, phủ bên ngoài là một tấm khăn điều. Vì có khăn điều như thế nên mới gọi là ông vải. Đây là nơi thờ tổ các đời của gia đình, từ cao cao tổ khảo trở xuống. Các vị tổ của gia đình được tượng trưng ở cái ngai thờ ông vải này.
Cạnh ngai (ỷ), ở bên phải là một số bài vị, không có khám che là nơi để thỉnh tổ tiên của gia đình thuộc nhiều chi khác, cùng với vợ các vị tổ tiên, chú bác, cô dì. Trong lời văn khấn, các linh hồn này được gọi là nội thương, ngoại thương (thương là có chịu tang), chỉ tất cả những người trong họ đã mất.
Trên bàn thờ tổ tiên, ảnh ông bà, cha mẹ được để ở tay phải, không che khuất ngai ông vải.
Ngoài ra, bàn thờ tổ tiên có thể treo hoành phi. Hoành phi thường sơn son thếp vàng, khắc chữ lớn nhằm chỉ rõ thanh danh của gia đình, bày tỏ lòng biết ơn hoặc lời hứa của con cháu với tổ tiên (ví như: “Đức lưu quang” (Đạo đức của gia đình sáng mãi), “Minh đức viễn” (Đức của nhà này sáng xa), “Chính thanh hòa” (chính đại, trong sáng, hòa nhã), “Phúc mãn đường” (Phúc đức đầy nhà), “Ẩm thủy tư nguyên” (Uống nước nhớ nguồn),...).
Ngoài hoành phi còn có biển sơn son. Hai bên gian thờ còn treo câu đối. Câu đối là những biển gỗ dài, sơn son, khắc chữ vàng, treo từ trên nóc xuống.
Ngày nay, việc thờ cúng tổ tiên trong các gia đình người Việt ít nhiều có khác xưa, nhất là về vị trí và cách bố trí ban thờ, nhưng nhìn chung, vẫn giữ được những điểm căn cốt nhất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống, vẫn là nơi linh thiêng, kết nối các thế hệ với nhau./.