​Từ đường – Một số nét khái lược

​Từ đường – Một số nét khái lược

Mien Cao
09/04/2018

Nhà thờ họ – Một số nét khái lược


1. Ý nghĩa của nhà thờ họ
Nhà thờ họ luôn có một vị trí đặc biệt trong thế giới tâm linh của người Việt, là nơi thờ tự, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của con cháu đối với tổ tiên, đồng thời tượng trưng cho sự trường tồn, bền vững của dòng họ.
Ngoài ra, nhà thờ họ còn mang ý nghĩa như một bảo tàng (là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần to lớn của một dòng họ như di vật của tổ tiên, gia phả, văn tự cổ, những sắc phong, tượng thờ, bài vị, những điển tích về dòng họ...), một nhà văn hóa (nơi nói truyện về truyền thống dòng họ, những gương sáng, những nết tốt, những thành tích xuất sắc cần khuyến khích học tập và noi theo...), một hội trường (nơi gặp gỡ để bàn việc họ).
2. Nhà thờ họ thờ ai?
Nhà thờ phải có một “Thần chủ ” (vị thủy tổ của dòng họ). Thần chủ này không bao giờ thay đổi.
Theo phong tục dân gian “Ngũ đại mai thần chủ” (từ 5 đời thì không phải thờ nữa) nên trong một nhà thờ họ thường chỉ thờ không quá 5 đời tổ. Tuy nhiên, một số dòng họ lớn cũng có thể thờ nhiều hơn 5 đời. Trong nhà thờ họ, các ban thờ thường được bố trí theo chiều ngang: Ban thờ vị tổ cao nhất bao giờ cũng được đặt tại gian chính giữa, ban thờ các vị tổ thấp hơn được bài trí đăng đối ở các gian tả, gian hữu ở hai bên.

3. Ngày tế tự


Nhà thờ họ nào cũng có một số ngày tế tự thường niên, như: Ngày giỗ ông thủy tổ và ngày hiệp tế (giỗ chung cho hết thảy các vong linh của những người quá cố trong tộc họ). Ðến ngày cúng tế, nhà thờ họ thường có hình thức lễ hội: trong sân có cắm nhiều cờ đuôi nheo, cờ lồng, treo băng, biểu ngữ (mang tên ngày tế tự) và cảnh con cháu nhộn nhịp tụ hội về. Rất nhiều người, nhất là các cụ bà, các cô gái, thường đội trên đầu lễ vật dâng cúng là những hương hoa trà quả… Khi tế tự có kèn trống, văn tế kể công nghiệp tổ tiên, các trình tự lễ lạy… Tất cả đặt dưới quyền điều hành của Chủ tế là tộc trưởng hoặc người cao niên nhất trong họ và vài người trung niên làm bồi tế. Kết thúc tế tự là lễ hóa vàng mã và bắt đầu tiệc ẩm thực.
Bên cạnh đó, những ngày trong Tết Nguyên đán và các ngày sóc, ngày vọng hằng tháng, nhà thờ họ cũng chu đáo hương khói và cúng kính. Người giữ việc hương khói cho từ đường là một người trong tộc họ, ở gần nhà thờ họ.
4. Lễ nghi

Theo quy ước và tục lệ ông bà để lại, nhà thờ họ đảm trách việc thờ tự đức Thủy Tổ đến các vị nhiều đời kế tiếp trong những ngày giờ nhất định giỗ chạp hằng năm; còn các chi phái và các gia đình đều có bàn thờ riêng để cúng giỗ theo ngày riêng của từng vị, từng chi phái. Con cháu cần sắp xếp thời gian để ngày Tết, ngày lễ về từ đường cúng viếng tổ tiên./.

Pinterest