Tục góp giỗ, gửi giỗ - Đôi điều cần biết

Tục góp giỗ, gửi giỗ - Đôi điều cần biết

Mien Cao
30/03/2018

Tục góp giỗ, gửi giỗ - Đôi điều cần biết

Người chết thông thường có nhiều con cháu, nhưng ngày giỗ, chỉ cúng ở nhà người con trưởng. Trong trường hợp người con trai trưởng đã qua đời, thì việc cúng giỗ sẽ được tiến hành ở nhà người cháu đích tôn. Tục quy định rằng, trai trưởng hoặc cháu đích tôn có trách nhiệm lo cúng giỗ. Tuy vậy người con thứ, cháu thứ, các cháu ngoại cũng không thể bỏ giỗ ông bà, cha mẹ mình được. Ngày giỗ ông bà, cha mẹ, những người này đều phải tề tựu đông đủ ở nhà người trai trưởng hoặc cháu đích tôn. Nếu giỗ người đứng đầu dòng họ, thì tề tựu ở nhà chi trưởng, nếu giỗ người nào đó ở hàng cao tằng thì con cái cháu chắt, tề tựu ở nhà tộc trưởng để làm giỗ. Khi tới, họ phải mang đồ lễ tới cúng. Việc mang đồ lễ tới cúng như thế gọi là góp giỗ hay gửi giỗ.
Lễ gửi góp giỗ lớn hay nhỏ tùy thuộc vào hoàn cảnh và mối quan hệ với người chết của từng gia đình, có thể là tiền, gạo, các lễ vật khác như: vàng hương, trái cây, bánh kẹo hay những vật phẩm mà lúc sinh thời người đã khuất ưa thích..., điều quan trọng là tấm lòng thành đối với người đã khuất.
Những người ở xa, vì một lý do nào đó không về được thì có thể mua đồ lễ gửi về cúng giỗ. Những người này, ngoài việc gửi giỗ, còn làm lễ cúng vọng trong ngày giỗ, vì người xưa quan niệm rằng “con ở đâu cha mẹ ở đấy”, ý nói con cái cúng giỗ ở đâu, hương hồn cha mẹ về đó phối hưởng. Mặc dù vậy, trong lòng vẫn cảm thấy áy náy, băn khoăn, vì chữ hiếu chưa tròn.

Những đồ lễ mang gửi giỗ sẽ được đem cúng hết trong ngày giỗ. Cúng xong, ăn không hết, sẽ chia phần cho con cháu trong gia đình, các cành, chi trong họ./.

Pinterest